- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGÔI CHÙA NGÀY XUÂN

13 Tháng Hai 202411:21 CH(Xem: 2636)


NguyenCongKhanh-ChuaNgayXuan
Chùa Phước Huệ, (Tacoma, WA) trong ngày tuyết

 

 

NGÔI CHÙA NGÀY XUÂN

Nguyễn Công Khanh

 

 

Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ. 

Tên chùa là Phước Huệ, nhà sư trụ trì có pháp danh là Thích Phước Toàn, hai cái tên thật là chân phương. Danh vị của nhà sư là Tỳ Kheo, khác với nhiều chùa các vị trụ trì đều là Hòa Thượng hay Thượng Tọa, điều đó không có gì khác biệt đối với sự hâm mộ của tôi với nhà sư. Các chùa khác thường tọa lạc trong thành phố, xung quanh là khu dân cư, chùa Phước Huệ ở xa thành phố, trong một vùng có những cánh đồng còn trống và có những khu rừng nhỏ còn xót lại. Chùa lúc đó còn ở trong một căn nhà nhỏ đơn sơ nằm sát bên đường, trên một khu đất khá rộng nhiều mẫu đã được tạo mãi, bốn bề vuông vắn, bằng phẳng.

Khi chúng tôi đến, buổi lễ vừa chấm dứt. Tôi có dịp đi quanh chánh điện và phòng khách đọc những câu thơ được lồng trong khung kính tỏa chất Thiền viết theo cách thư pháp nghiêm chỉnh và phóng khoáng.

Thấy có khách lạ, nhà sư ra tiếp. Chúng tôi cúi đầu chào và thưa chuyện; tôi gọi nhà sư là “Thầy”, người có nhiệm vụ dẫn chúng sinh vào đạo pháp. Thầy gọi tôi là “Bác”, vì tuổi tôi đã khá cao. Thầy mời sang phòng bên dùng trà. Chúng tôi cùng ngồi xuống một tấm phản lớn, ở giữa đặt một cái bàn làm bằng một khúc rễ cây lớn cưa phẳng tráng một lớp nhựa bóng. Thầy rót nước nóng vào bình trà cổ và đợi một lúc chuyên ra các chén nhỏ. Chúng tôi cùng nâng chén, hương trà thơm thoảng hương vị trang nghiêm của giây phút đầu Xuân. Sau khi thăm hỏi, tôi có nhắc đến tập thơ của thầy vừa xuất bản. Thầy đưa tôi tập thơ, tôi lần giở từng trang, hầu hết là những bài thơ đượm chất Thiền. Tôi chọn những bài thơ mà tôi ưa thích và xin phép đọc. Sau mỗi bài chúng tôi ngưng lại bình thơ và điểm những từ tuyệt cú trong bài.

Giọng Huế của thầy rất nhẹ, bỗng nhiên tôi nhớ đến những ngày hè tôi ở Huế. Cha tôi làm việc ở Đà Nẵng, tôi theo học ở Saigon, cứ mỗi kỳ hè là tôi về thăm gia đình. Đó là những năm cuối thập niên 50. Lần đầu tôi đi bằng đường bộ, có lần bằng đường thủy và sau này bằng đường xe lửa. Đi xe lửa không mất tiền vì cha tôi làm cho sở Hỏa Xa. Tôi thường lên Huế ở hàng tuần với các người bạn mới quen, đạp xe đi thăm gần như hầu hết các lăng tẩm, các ngôi cổ tự cùng những nơi có những cái tên đọc lên là thấy “Huế” rồi.

Thời niên thiếu, ở miền Bắc tôi đã đi qua những làng quê điêu tàn hồi tiêu thổ kháng chiến trong chiến tranh Việt Pháp, không có thời giờ cảm nhận được tình quê hương, nhất là sau này vì những hà khắc của một chế độ nghĩ đến mà còn rùng mình. Khi trưởng thành ra trường tôi được phục vụ tại các tỉnh và quận xa ở miền Nam. Những lúc ngồi xe đò qua những cánh đồng lúa bát ngát, những chiều qua phà Vàm Cống, nhìn dòng sông rộng với những đám độc bình bị nước cuốn trôi nhanh trên dòng nước, thấy cái tình quê sao nó mênh mông trôi nổi đến thế. Nhưng với miền Trung , với Huế thì khác hẳn, có lẽ vào cái tuổi đôi mươi, tôi dễ cảm thấy cái tình tự, cái tình quê hương của miền đất này nó khác hẳn, nó cô đọng, tha thiết hơn nhiều, chẳng thế mà có rất nhiều bài hát về miền Trung và nhất là về Huế được làm ra , được hát lên vẫn làm cho người ta phải rưng rưng .. Tôi nghĩ rằng thầy Phước Toàn cũng đã có những ngày như chúng tôi ở đó.     

Ngồi uống trà và đọc thơ với thầy đã lâu, sợ làm mất nhiều thời giờ, tôi xin phép tạm biệt. Khi bước chân ra ngoài, tôi chợt thấy một quả chuông lớn, một “Đại hồng chung”, được đúc với những hoa văn, linh vật và cổ ngữ chân truyền được treo tạm bên hiên. Ít lâu sau, tôi đọc một tờ báo địa phương báo tin là quả chuông này đã bị mất cắp. Ai cũng nghĩ chuyện như thế rồi cũng qua, của mất đi có bao giờ tìm lại được. Thế mà khoảng hai năm sau, tôi đọc báo có tin là quả chuông đã có người đem trả lại. Tôi nghĩ quả chuông nặng hàng tấn như thế chắc phải cần đến mấy người khuân và phải dùng xe truck mới đem đi được. Thật là có một sự linh thiêng huyền diệu nào đó đã chuyển hóa được lòng người.

*


Bây giờ chùa được coi như đã gần hoàn thành. Khuôn viên chùa nay trông như rộng ra, mênh mông. Bãi đậu xe rộng rãi, không vất vả phải tìm chỗ như nhiều chùa khác. Chùa không xây dựng theo cách hoành tráng, mà đơn giản, nhã nhặn.

Khách thập phương đến thăm chùa, đậu xe xong, hãy để một chút thời giờ thả bộ đi quanh chùa mới thấy những nét đặc thù của chùa được thiết kế theo tính cách thật là nghệ thuật. Chúng tôi đã có dịp  đi như thế một vài lần. Ngay cổng vào, một hồ nước theo hình chữ S, hình của nước Việt Nam. Những gốc cây lớn, những bụi hoa nhỏ quanh đó được chăm sóc như một bức tranh cổ bao bọc hình ảnh đất nước mà mình đem theo. Hãy ngồi ở đó mươi phút và nhớ đến hai câu thơ:

Mái chùa ấp ủ hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tiên.

(Hòa thượng Thích Mẫn Giác) 


Đi theo phía bên trái khuôn viên, là hai hàng tượng Phật và La Hán đứng trải dài. Hãy để lòng thanh thản, bước đi thong thả như những bước thiền hành. Hãy đứng lại trước từng pho tượng, trong cái tĩnh lặng đó, hãy ngắm dung nhan từng vị và chậm rãi đọc những câu kệ, câu thơ được khắc cạnh đó, để những câu đó thấm vào mình. Nếu có con cháu đi theo, hãy bảo chúng đọc lên những hàng Anh ngữ được chuyển dịch và nếu có thể hãy giảng cho chúng biết ý nghĩa của những câu kệ đó. Cái hồn dân tộc, cái nếp sống tổ tiên chắc cần phải được truyền lại cho các thế hệ kế tiếp.

Phía bên phải khuôn viên có những thảm cỏ xanh, có tượng Phật nằm, hãy tìm một chỗ ngồi. Ngồi trong tĩnh lặng, ngồi trong tỉnh thức để chiêm nghiệm Phật đã nghĩ ra những gì để dẫn dắt chúng sinh. Đạo và Đời thường đi song hành với nhau. Trong Đời có Đạo và Đời sinh ra Đạo. Đạo thì nhập thế như một triết lý để dẫn dắt chúng sinh về Chân Thiện Mỹ. Đời thì biến dạng luôn nhanh như điện tử và kinh kệ vẫn là những chân lý nguyên thủy từ ngàn năm xưa không thay đổi. Phật ở trong ta, trong ta có Phật tính. Ta sẽ thành Phật khi ta biết tu hành trọn đạo.

Hãy đi vào chánh điện lễ Phật, ngôi tượng Phật lớn trong ánh hào quang, hoàn toàn bằng gỗ mộc, không tô điểm nạm vàng sơn son thiếp đỏ.

Cũng đừng quên, hãy nhẹ nhàng lên tầng lầu phía sau chùa, được coi như một bảo tàng nhỏ sưu tập đến trăm bộ đồ trà cổ hiếm có mà tưởng tượng đến người xưa cùng đối ẩm trong trà đạo.

Ngày tết đi lễ chùa, hãy ở lại xin thầy vài chữ chúc Tết cho năm mới như trước kia người ta thường nhờ các ông đồ già viết câu đối mừng Xuân. Chữ của thầy viết trên các chiếc đĩa nhựa trắng, không thua kém gì những nét như phượng múa rồng bay của người xưa.

Nhân dịp đầu Xuân, tôi xin chép lại bài thơ của thầy, nhà thơ Tuệ Minh để quý vị thưởng ngoạn:

 

 

Trường Xuân

Ta về thăm lại một người
Dưới chân Cửu Lũng và đôi gốc tùng

Ta về thăm lại nắng hồng
Nắng pha màu nắng, hương xông ngọt ngào
Khói hương quyện tỏa cao cao
Lửng lơ trước gió, hoa đào ngây ngây

Xuân còn tất cả còn đây
Còn trong ánh mắt, còn đầy con tim
Nghìn xưa tôi vẫn đi tìm
Giáp phòng sinh tử, lặng im kiếp người

Ở đây tôi lại gặp tôi
Gặp mùa Xuân trẻ, đất trời thênh thênh
Cảnh xưa còn đó yên lành
Suối từ Tịnh Thủy biến thành Trường Xuân.



Nguyễn Công Khanh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tư 202412:07 SA(Xem: 911)
Vào ngày 31 tháng 10 năm 1974, nhật báo Sóng Thần do tôi làm chủ nhiệm bị chính phủ kiện ra tòa với tội danh “phỉ báng mạ lỵ” Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Việc này xẩy ra sau khi số báo đề ngày 21 tháng 9, 1974 bị tịch thu vì đã đăng tải bản cáo trạng tham nhũng trong chính quyền do Phong trào Nhân dân Chống Tham nhũng và Kiến tạo Hòa bình phổ biến. Có hai tờ nhật báo khác cùng chung số phận với Sóng Thần, đó là Đại Dân Tộc và Điện Tín. Phiên tòa cho hai tờ này được ấn định vào một ngày khác.
14 Tháng Tư 20249:53 SA(Xem: 1534)
Tôi vẫn nghĩ vợ chồng sống được với nhau cả một đời thì thương nhau phải biết. Tôi không có được cái may mắn này nhưng tôi thích ngắm những cặp đôi người già bên nhau ở tuổi xế chiều. Tôi trân trọng những đôi vợ chồng thương yêu kề cận suốt cuộc đời. Nhớ lời của bài hát hồi xưa tôi hay nghe: "Nhiều năm trời chẳng thương tình, để em làm kẻ đa tình". Phụ nữ khi ly hôn chồng thi thường có nhiều người khác phái để ý nhưng tôi không hề làm kẻ đa tình yêu đương vớ vẩn đâu nhé, tôi biết chắc rằng tôi là người chung thủy nếu tôi gặp đúng một người thương.
08 Tháng Tư 20248:51 CH(Xem: 1922)
Từ phòng ngủ của Tư-Lệnh bước ra, Y-Sĩ Thiếu-Tá Đàm-Quang-Hiển xúc động, nghẹn ngào : “Thiếu-Tướng… đi rồi!” … Các Sĩ-Quan hiện diện, không cầm được nước mắt, kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt chủ tướng. Bác-sĩ Đàm-Quang-Hiển, hiện định cư tại Mỹ, bang Minesota, nguyên là y sĩ trưởng Sư-Đoàn 5 Bộ Binh, kiêm Tiểu-Đoàn-Trưởng Tiểu-Đoàn 5 Quân-Y. Vào trưa ngày 30 tháng 4 năm ấy, ông được gọi lên, với hy vọng cấp cứu Chuẩn-Tướng Tư-Lệnh vừa dùng súng tự sát... Bác sĩ Hiển khám nghiệm, bắt mạch….Nhưng không kịp ! Người đã “đi” rồi! Ôi ! Thực buồn làm sao!
13 Tháng Hai 202410:58 CH(Xem: 2591)
Từ California khi trở lại thăm Saigon trong một dịp tết, điều thú vị nhất là tôi được một mình rong ruổi trên những chuyến xe bus, tôi đi khắp Saigon, Chợ Lớn, Phú Lâm. Chẳng cần biết trạm sẽ dừng nơi đâu, tôi đi hết đường hết sá, ngắm nhìn mọi thứ xe lớn xe nhỏ, phố bé xíu hay đường rộng thênh thang. Và để tôi thấy hết mọi người, cùng nhìn luôn mọi thứ… Hôm nay tôi cũng bước đại xuống một trạm dừng, chẳng cần biết tên gọi. Loanh quanh rồi tôi định ngồi ăn trưa ở lề đường nào đó. Nắng và bụi sẽ là gia vị cho những dĩa cơm đường chợ, ly nước mía sẽ làm dịu bớt ồn ào của những tiếng còi xe không bao giờ dứt, khiến thiên hạ chỉ muốn điên đầu. Saigon, những ngày giáp tết, mọi sự vội vàng như đã được nhân lên qua đủ thứ màu trang trí nóng nảy, kiểu xanh vàng và tím đỏ.
07 Tháng Hai 20241:29 SA(Xem: 3187)
Sài Gòn những ngày cuối năm trời ấm dần hơn, nắng mang hương xuân vương trên hoa cỏ dịu dàng làm lòng người chao lại nỗi nhớ quê. Tạ xa Qui Nhơn đến nay đã 5 năm rồi, thời gian như chớp mắt ngoảnh lại thấy những ngày cũ ở quê lùi xa dần xa dần mất hút. Nơi nàng ở khá yên tĩnh thích hợp với người ở cái tuổi chiều thu cận kề. Buổi sáng thức dậy, nàng có những phút yên ắng nhìn dòng sông êm trôi lặng chảy đón bình minh vừa lên, nghe chim ríu rít chuyền cành, nàng còn có thể dắt cháu đi học qua các con đường im vắng mà nghe cháu nói bi bô bên tai rồi còn có những phút đi rải cơm cho chim cho cá ăn, có những buổi chiều nhìn nắng tắt bên song mà nhớ, nhờ bớt nói lại nên bớt thị phi.
03 Tháng Giêng 202412:43 SA(Xem: 3511)
Mùa dịch Cô-vít hay còn gọi là Cúm Tàu đã qua đi. Thực sự đã đi xa nhưng còn để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật. Những người gọi là cao niên như chúng tôi, thực khó tìm lại, những buổi sáng Thứ Bẩy hẹn hò gặp gỡ; lòng háo hức nôn nao trên đường đến quán cà phê thân quen, nơi góc phố Bellaire ồn ào náo nhiệt. Tưởng rằng không còn cơ duyên hội ngộ tâm tình, nhưng Trời chiều lòng người. Mới vài tháng nay, mỗi sáng Thứ Bẩy, chúng tôi lại có cơ hội, hẹn gặp nhau tại một quán cà phê khác, dù không ưng ý, để có dịp họp mặt hàn huyên tâm sự, trao đổi những câu chuyện văn chương, hoặc tâm tình thế sự trải khắp nhân gian.
25 Tháng Mười Hai 202311:01 CH(Xem: 3574)
Trong cái không gian lành lạnh của một mùa Giáng Sinh, trong tiếng chuông ngân của nhà thờ như đón chào thiên chúa giáng trần, tôi bỗng nhớ đến một nơi chốn lặng lẽ, tối tăm, nơi có lẽ chúa đang hiện hữu từng giờ từng khắc cho riêng một người. Ở nơi ấy, anh cũng đang thầm lặng đón Giáng Sinh giữa bốn bức tường xám lạnh. Phạm Chí Dũng, một nhà báo dũng cảm, một người bạn chưa từng gặp mặt ngoài đời nhưng lại vô cùng thân thiết.
19 Tháng Mười Hai 202311:46 CH(Xem: 4187)
Dạo này sao mình hay nghĩ về cái chết. Mình giống như ba mình hồi trước thường bâng khuâng day dứt khi thấy tuổi già của nhiều người sắp rời bỏ dương trần thường sẽ bị đau yếu nằm yên một chỗ sống tật nguyển trong một thời gian. Ngày ấy ba đã phản kháng sợ kiểu sống như thế trước khi chết. Ý niệm của ba là khi hết số thì đi liền không đau bệnh. Và ước nguyện ấy đã thành sự thật, không đợi đến già yếu, đến lúc phải làm cho con cháu lo lắng buồn phiền, ba đã ra đi nhanh nhẹ nhàng không kịp cho ai phụng dưỡng ba dù chỉ một ngày.
14 Tháng Mười Một 202312:15 SA(Xem: 4447)
Anh về nhà không có em ! Anh đẩy cửa bước vào, anh xô cửa bước ra. Sắc sắc không không , một trời vô vọng. Em ở đâu ? Anh dáo dác tìm tìm kiếm kiếm. Em đi rồi ư? Ô chao ! Sao nghe buồn nẫu ruột.
24 Tháng Mười 202310:38 CH(Xem: 5390)
Hàng ngày trên con đường kiếm sống, thỉnh thoảng ta vẫn nghe trên cây khế trước nhà tiếng kêu của một loài quạ “ăn khế trả vàng, may túi ba gang mà đựng”. Dân ta ai cũng may sẵn những chiếc túi ba gang. Thời mở cửa, ai cũng hăm hở, ai cũng tưởng mình đã hốt đầy vàng trong cái kho của trời đất. Có biết đâu rằng vàng đã cho đi cả, chỉ còn lại sỏi và đá trong chiếc túi ba gang của mình. / Ta cho đi hết, cho hết cả … từ tài nguyên, của cải cho đến những giá trị cốt lõi. Và thế là đất không còn lành, chim không muốn đậu. Bầy chim túa đi thiên di mang theo tất cả, cả tuổi trẻ, tình yêu, nhiệt huyết,… rời bỏ đất nước mình!