- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mai Thảo, anh tôi

27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 34679)

web-maithao-cl
  Mai Thảo - ảnh Cao Lĩnh 88

Gia đình chúng tôi có mười bốn anh chị em, gồm năm anh em trai và chín chị em gái. Anh Mai Thảo là người thứ năm trong gia đình. Hai người chị và một người em gái mất sớm. Tới năm 1975, chúng tôi còn lại là mười một người. Tính theo anh em trai, anh là con trai thứ ba. Anh cả tôi là Nguyễn Đăng Thiện, anh kế là Nguyễn Đăng Viên rồi đến chị Tuyết là người chị gái đã mất vì bệnh thương hàn năm chị hai mươi tuổi. Tiếp đến là anh Mai Thảo. Sau đó là chị Mai, chị Oanh (đã mất), rồi đến tôi. Tiếp theo là Yến, Hồng (đã mất), Vân hiện còn ở Việt Nam, Loan và Thành. Thành là em trai út trong gia đình. Trên Thành là một em gái tên Phượng, mất lúc em mới một tuổi. Cha mẹ chúng tôi đều mất ở Việt Nam. Cha tôi qua đời năm 1977, mẹ tôi mất mười năm sau.

Mai Thảo sanh ngày mùng 8 tháng 6, năm 1927 tại làng Chợ Cồn, xã Quần Phương Hạ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Nhưng sinh quán của tổ tiên tôi là làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Thổ Khối là một làng nhỏ bên bờ sông Hồng Hà và cách Hà Nội chín cây số. Vì thế có nhiều người cho là văn anh Mai Thảo có hai nét đặc thù: một là của Nam Định, hai là trong tâm hồn đã ươm sẵn nền văn học Bắc Ninh, ở đó đã có nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử văn học. Đa số người làng Thổ Khối đều rời làng đi học hay đi làm phương xa. Cha mẹ tôi rời làng Thổ Khối lúc ngoài hai mươi tuổi và về lập nghiệp ở Nam Định.

Sau khi hết tiểu học, anh Mai Thảo lên học ở thành phố Nam Định, tôi không nhớ rõ đó là trường Saint Thomas hay trường Jules Ferry, và học cùng trường với anh Vũ Quang Ninh. Xong đệ nhất cấp trung học, anh lên Hà Nội. Lúc đó hai anh tôi là Nguyễn Đăng Thiện và Nguyễn Đăng Viên đang học ở Lycée Albert Sarraut. Anh Mai Thảo vào học ở trường trung học Đỗ Hữu Vị, sau này trở thành trường trung học Chu Văn An. Cha mẹ tôi mướn cho năm anh em tôi một căn nhà ở đường Đỗ Hữu Vị. Xế cửa trường Đỗ Hữu Vị. Mỗi sáng, anh Mai Thảo chỉ bước qua đường là tới trường. Hai anh Thiện và Viên đi học ở Albert Sarraut bằng xe đạp. Tôi đi bộ tới trường tôi là trường Saint Pierre, một trường của các bà sơ người Pháp ở gần nhà thờ Quan Thánh, Hà Nội. Trong suốt thời kỳ chiến tranh Pháp-Nhật, anh em chúng tôi ở căn nhà này và cha mẹ chúng tôi mướn bồi, bếp để lo vấn đề ăn uống cho chúng tôi. về sau, các trường đều phân tán ra khỏi Hà Nội để tránh máy bay đồng minh oanh tạc. Anh Mai Thảo theo trường về Hưng Yên. Khi chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, năm anh em trai chúng tôi lại di tản từ Hà Nội về căn nhà của gia đình ở Nam Định.

Anh Mai Thảo đặt tên căn nhà này là "Căn Nhà Vùng Nước Mặn", nơi đó chúng tôi đã sinh sống một thời niên thiếu đầy thương yên và hạnh phúc. Cái căn nhà đó ở làng Chợ Cồn, huyện Hải Hậu. Cả trăm năm về trước, Chợ Cồn là một vùng biển, dần dà đất bồi lên thành một bãi cồn. Một vị Thượng Thư triều Nguyễn đã xin chính phủ bảo hộ cho đắp một con đê ngăn chặn nước biển mặn để biến nó thành một vùng đất phì nhiêu. Hải Hậu là một huyện ở sau biển và là một trong những vùng trú phú nhất của Nam Định. Căn nhà chúng tôi ở là một dãy nhà gạch, mái ngói hai tầng, có cổng cao và tường gạch bao quanh nhà. Phía sau có kho chứa lúa gạo, kho chứa hàng, có nhà cho người giúp việc ở, có vườn cây ăn trái, và nhất là có một sân xi măng rất rộng. Vào dịp nghỉ hè, anh em chúng tôi dùng sân này để chơi quần vợt, đá banh hay bóng bàn. Tới mùa gặt lúa, sân dùng để phơi thóc. Những đêm trăng sáng, các tá điền đập lúa trên sân, vừa hát hay hò cho vui. Trước mặt và bên hông nhà là con sông đào, thuyền bè qua lại nhộn nhịp vào những ngày họp chợ. Cha tôi là một thương gia và là một địa chủ rất giàu có. Vì thế chúng tôi có một đời sống thơ ấu rất sung sướng, chỉ biết cắp sách đến trường không phải lo lắng chi cả về sinh kế. Lớn lên cả năm anh em chúng tôi đều xa nhà đi học ở Hà Nội, chỉ về thăm nhà vào những dịp Tết hay những kỳ nghỉ hè.

Khi kháng chiến bùng nổ, chúng tôi rời Hà Nội, về sống chung với nhau ở căn nhà vùng nước mặn. Dân làng đa số theo đạo Thiên Chúa. Gia đình chúng tôi theo Phật giáo, nhưng cha mẹ chúng tôi rất được kính trọng, không bị chính quyền cộng sản hay địa phương phiền hà gì. Tuy nhiên tình trạng ấy không thể kéo dài, bởi vì năm thanh niên như chúng tôi không thể không gia nhập các đoàn ngũ cộng sản được. Về sau, anh Thiện phải vào Thanh Hóa dạy học. Cha tôi và anh Viên dùng các ghe lớn của nhà để chuyển gạo và muối từ Nam Định lên bán ở các miền sơn cước. Anh Mai Thảo rời nhà để đi Thanh Hóa và gia nhập hàng ngũ kháng chiến. Một số bạn cùng học của anh Mai Thảo ở trường Đỗ Hưu Vị gia nhập Trung Đoàn Thủ Đô để bảo vệ Hà Nội. Một số khác ra hậu phương tham gia vào các đơn vị chiến đấu. Anh Mai Thảo gia nhập các đoàn văn nghệ đi khắp nơi, từ Liên Khu Ba, Liên Khu Tư tới chiến khu Việt Bắc. Sau này, Mai Thảo thấy một số bạn hữu chết trong cuộc chiến, một số khác bị cộng sản loại ra khỏi hàng ngũ kháng chiến, anh quyết định trở về thành. Sự nghiệp văn chương của anh bắt đầu một khúc quanh quan trọng từ đó.

Cha mẹ tôi muốn các con trai giống như anh trưởng chúng tôi là học Luật để đi vào con đường hoạn lộ, hoặc làm quan, hoặc làm với chính phủ. Anh Thiện đã theo đúng con đường đó, thay vì ra làm quan thì anh hành nghề luật sư. Anh thứ hai là anh Viên chỉ học năm thứ nhất trường Luật Hà Nội rồi bỏ và tham gia ngành hành chánh. Anh Viên làm tỉnh trưởng ở nhiều nơi Hưng Yên và Thái Bình. Khi anh làm tỉnh trưởng Hưng Yên, anh chưa tới 30 tuổi. Chỉ có một người duy nhất trong gia đình tôi theo đuổi sự nghiệp văn chương là anh Mai Thảo.

Tôi nghĩ anh Mai Thảo là người mang dòng máu thơ văn Bắc Ninh của mẹ tôi. Ông ngoại tôi là mộ đông y sĩ, rất giỏi về y, lý, số, thích nuôi và cưỡi ngựa. Ông ngoại tôi tới lập nghiệp ở Vĩnh Yên khi mẹ tôi còn nhỏ. Anh Mai Thảo đã viết một truyện ngắn rất hay về ông ngoại tôi, về Vĩnh Yên và vùng đồi Tam Đảo. Mẹ tôi không viết văn, không làm thơ nhưng bà rất yêu mến văn chương. Bà thuộc rất nhiều cổ văn: từ Truyện Kiều, Nhị Độ Mai, Tống Trân -Cúc Hoa, cho đến Tam Quốc Chí và giải thích từng chi tiết trong những bữa cơm gia đình. Mẹ tôi rất thích đọc báo Phong Hóa, Ngày Nay, đọc từ trang đầu đến trang cuối không bỏ một mục nào, kể cả rao vặt. Mẹ tôi thích bàn luận về thời cuộc chính trị, nói về Nguyễn Thái Học, Cô Giang, Cô Bắc, những anh hùng liệt nữ Việt Nam một cách tường tận. Mẹ tôi có một giọng nói dịu dàng và truyền cảm. Sau này, đôi khi nghe anh Mai Thảo nói chuyện về văn thơ tại các hội trường, tôi liên tưởng tới mẹ tôi. Anh cũng có lời nói dịu dàng và truyền cảm ấy, nhất là khi anh không say.

Trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, quân đội Pháp cố gắng nới rộng vùng kiểm soát ở Nam Định. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Các đơn vị dân quân du kích, với vũ khí thô sơ, tìm mọi cách để ngăn chặn các cuộc hành quân càn quét của quân đội Pháp. Các chiến thuật táo bạo được áp dụng. Và các đội cảm tử ôm bom ba càng ra đời. Bom ba càng là một khối thuốc nổ hình nón, đầu nhọn gắn vào một cây gậy dài, đầu đáy hình nón gắn vào ba cọc sắt bằng ngón tay út và dài chừng 5cm, một đầu cọc sắt gắn liền với hạt nổ của trái bom. Khi lâm chiến, các cảm tử quân ôm bom ba càng, đợi chiến xa địch tới gần, lao mình vào chiến xa cùng với trái bom. Ba cọc sắt đập mạnh vào hạt nổ và trái bom nổ tung cùng với chiến xa và cảm tử quân. Chợ Cồn được chọn làm nơi trình diện đội cảm tử 12 người với đồng bào trước khi các Kinh Kha Việt Nam này lên đường hy sinh cho tổ quốc. Lúc ấy, mẹ tôi là Chủ Tịch Hội Phụ Nữ, và bà được đề cử đứng ra đọc bài diễn văn tiễn đưa các chiến sĩ bom ba càng "vị quốc vong thân". Trước hàng ngàn người im lặng, mẹ tôi ứng khẩu nói rất cảm động bày tỏ lòng tri ân của đồng bào hậu phương đối với các chiến sĩ hy sinh cứu nước và dựng nước. Cuối bài diễn từ, mẹ tôi ngâm hai câu thơ trong Truyện Kiều:

"Tiễn đưa là bữa hôm nay,

Ngày về xin đợi ngày rày năm sau."

Khi mẹ tôi dứt lời, mọi người đều òa khóc. Vì mọi người đều biết, chiến sĩ bom ba càng một đi là không trở lại, nói chi tới "ngày rày năm sau".

 

Những năm gần đây, ai cũng công nhận là anh Mai Thảo làm thơ rất hay, nhưng anh bắt đầu làm thơ từ bao giờ, thì ít người biết. Sự thực anh Mai Thảo khởi đầu sự nghiệp văn chương của anh bằng thơ. Anh đã viết thơ từ hồi anh học trung học, khoảng 18 tuổi trở đi. Anh yêu thích thơ, thuộc thơ, đọc thơ và viết rất nhiều thơ. Anh làm thơ dễ dàng. Những bài thơ đầu tay của anh rất dài, khoảng từ ba đến năm sáu trang giấy. Anh có thử viết kịch thơ như kịch thơ Hoàng Cầm. Anh làm thơ, thấy không vừa ý, xé đi, rồi viết tiếp. Anh chép tay trên giấy, nét chữ đẹp và đóng thơ thành tập. Hồi ấy, gia đình anh Văn Phụng tản cư về ở gần nhà chúng tôi. Anh Văn Phụng là em chú bác với anh rể tôi. Anh Văn Phụng viết chữ lớn và vẽ đẹp. Anh Mai Thảo bảo tôi đưa tập thơ đến anh Văn Phụng để anh Văn Phụng kẻ chữ và minh họa. Những hình vẽ của anh Văn Phụng thường là khuôn mặt thiếu nữ Việt Nam với suối tóc dài. Một vài ngày sau tôi trở lại lấy tập thơ đưa về cho anh Mai Thảo. Không biết anh Mai Thảo có giữ những tập thơ này không, và nếu có, bây giờ thất lạc ở đâu? Anh Nguyễn Hưng Quốc nói "ít thấy ai yêu thơ như Mai Thảo". Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thích Mai Thảo nói chuyện về thơ, sau khi đã "ngà ngà". Phải là người yêu thích thơ, nghiên cứu về thơ, làm thơ từ nhiều năm mới có một tâm hồn thơ phong phú như Mai Thảo.

Bề ngoài Mai Thảo là một người cô độc, không gia đình, không vợ con. Những người trong gia đình tôi, ai cũng yêu mến anh. Anh rất tình cảm, rất thẳng thắn và thực tình. Về mặt riêng tư, anh giữ kín cho anh đời sống của riêng mình, không hề thố lộ tâm tình với ai kể cả những người rất thân. Cho nên không ai biết được tình cảm của anh dành cho gia đình như thế nào. Mai Thảo muốn có một đời sống tự do, dưới mọi hình thức. Anh viết:

"Tôi tự do phơi phới một đời

Sao từng lúc lòng còn nhỏ lệ..."

Có một lần trong gia đình tôi có giỗ. Cha mẹ tôi bảo đi gặp anh Mai Thảo và nhắc anh ngày mai nhà có giỗ, anh nhớ về. Tôi lên tòa báo gặp anh, nói cho anh biết, cha mẹ muốn anh về để cùng họp mặt. Ngày hôm sau, cả nhà đợi hoài từ trưa cho đến chiều đến tối, hết cả ngày cũng không thấy anh về. Thế là cả nhà làm giỗ không có anh. Ngày kế tôi lên quán Chiều Tím hỏi anh:

"Sao hôm qua cả nhà đợi mà không thấy anh về?"

Tôi nhớ, lúc đó, một buổi chiều Sài Gòn, anh ngồi nhìn qua cửa sổ trong căn phóng phía trên quán Chiều Tím, anh nói:

"Tôi nghĩ là tôi cũng bậy quá. Chiều qua, lúc về tới nhà, tôi say quá. Đến khi tôi tỉnh dậy thì đã trễ rồi. Tôi chỉ mong cha mẹ và gia đình coi tôi như chiếc lá đã lìa cành, chim đã ra khỏi tổ rồi. Khi lá lìa cành, chim ra tổ, không có nghĩa là lá đã quên cành, chim không nhớ tổ. Nhưng mà cái lá đã quen phương trời của nó rồi, con chim có thương có nhớ tổ cũng đành mà thôi. Gia đình cũng hiểu là tôi còn có bạn bè, còn có sự nghiệp của tôi mà tôi không muốn đời sống và sinh hoạt của tôi bị ràng buộc. Sống với bạn bè, nhiều khi tôi vắng nhà cả hai ba tuần. Vì thế, nếp sống ngăn nắp của gia đình không thể giữ tôi lại được."

 

Mai Thảo có một vẻ lạnh lùng, một dáng điệu chừng mực, nhưng thật ra anh là một người rất giàu tình cảm thương quý gia đình và nhất là đối với anh em, các cháu. Đọc những truyện ngắn, truyện dài của anh, những truyện hay nhất vẫn là những truyện anh viết về gia đình. Ở đó, tuy không nhắc tới tên, nhưng anh em chúng tôi đọc và biết rõ là anh đang nói đến ai. Anh viết rất nhiều về gia đình tôi, về căn nhà ở vùng nước mặn, về những ông bác, những người cháu, những đứa em của anh. Viết với một ngòi bút sâu sắc và tình cảm.

Trong căn phòng số 209 của anh ở đường Bolsa có cây đèn ở đầu giường. Tôi lên dọn phòng, thấy cây đèn đã cũ và chụp đèn bị vỡ, tôi đòi vứt đi và mua cho anh cây đèn khác. Anh bảo tôi:

"Cậu để đấy cho tôi. Cây đèn này là của cháu Dung (con gái lớn của tôi) cho tôi đã nhiều năm và tôi muốn giữ để làm kỷ niệm. Tôi yêu thích cây đèn này, dù chụp đèn vỡ, nhưng cứ để đó, đừng vứt đi."

Cả khối gia đình chúng tôi yêu quý anh. Chị Kiều Chinh đã thấy điều đó trong khoảng thời gian anh Mai Thảo lâm trọng bệnh. Các cháu, các con lúc nào cũng sẵn sàng túc trực bên anh, ngày cũng như đêm, chỉ mong sao sức khỏe của anh, của bác được trở lại bình thường. Anh Mai Thảo có gia đình theo cái nghĩa gia đình của một người nghệ sĩ, chứ không phải trong một trật tự gia đình bình thường. Cha mẹ tôi cũng hiểu điều đó, nên dù cái lá đã lìa cành, chim đã bay ra khỏi tổ, nhưng lá vẫn là của cành và chim vẫn nhớ hoài về tổ. Chúng tôi tôn trọng tự do của anh và để anh được sống riêng với nếp sống nghệ sĩ của anh.

 

Về vấn đề gia đình anh Mai Thảo đã nói nhiều lần với cha mẹ tôi và với cả chính tôi. Anh quan niệm đời sống của nghệ sĩ không thể ràng buộc với gia đình. Anh kính trọng đàn bà, nhưng anh nghĩ, không người đàn bà nào có thể chịu đựng được một người chồng cứ nay đây mai đó. Anh nói: "Chiều nay tôi về nhà, ngày mai tôi có thể đi một nơi khác. Tôi có thể qua Âu châu, tôi có thể đến nhà một người bạn và ở lại mấy tuần. Không một gia đình nào có thể chịu đựng được một người chủ gia đình, một người chồng như vậy. Nên tôi chấp nhận đời sống độc thân." Có một lần, trong thời kháng chiến, cha mẹ tôi đã đi hỏi vợ cho anh, nhưng vì chiến cuộc, lần đi hỏi vợ này không thành. Từ đó, anh không còn đề cập việc lập gia đình với cha mẹ tôi nữa.

Mai Thảo đã dành cả cuộc đời anh cho văn học nghệ thuật và bạn hữu. Khi anh vượt thoát khỏi Việt Nam, tôi là người bảo lãnh cho anh. Lúc đó gia đình tôi còn ở Syracuse, một thành phố của các trường đại học thuộc tiểu bang New York, gần biên giới Canada. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên, buổi sáng gia đình tôi đón anh ở phi trường về, buổi chiều tôi đưa anh tới một kho rượu. Anh thích lắm vì ngoài cửa kho nó treo tấm bảng với hàng chữ: Chúng tôi không sản xuất rượu, nhưng chúng tôi có sẵn trên sáu triệu chai rượu ở khắp nơi trên thế giới để cung ứng nhu cầu của quý vị. Chúng tôi bước vào kho rượu và thấy họ đã nói đúng. Anh Mai Thảo ngạc nhiên vì nó đã không thiếu bất cứ một thứ rượu gì mà anh biết cả. Anh mua rượu, một số các fromages anh thích, và một số đồ hộp. Về nhà anh nói với vợ chồng tôi:

"Sau những năm bị Cộng sản truy nã ở Sài Gòn và sau những lần chiến tranh ở Việt Nam tôi không còn thấy ham muốn gì nữa. Tôi sẽ ở lại với gia đình Khánh, và tôi sẽ không đi nữa."

Anh nói thì tôi cũng chỉ biết vậy thôi. Tôi mừng, vì có lẽ anh nói đúng. Sau những khủng hoảng chiến tranh, đây là lúc anh cần nghỉ ngơi, rồi mọi việc nó sẽ ổn định. Sau bữa ăn sáng, vợ chồng chúng tôi đi làm, các cháu đi học, anh ở trong căn phòng dành riêng cho anh. Buổi trưa anh đi bộ ra quán ăn người Ý ở gần nhà, ngồi uống rượu, cà phê. Mọi việc trôi chảy như thế được một tháng. Sau đó, bắt đầu có thư từ mọi nơi gởi về. Mỗi sáng, anh nhận được từng cọc thư dầy cộm và điện thoại từ các nơi gọi về. Cho tới tháng thứ ba thì tôi thấy anh thường ngồi trong phòng nhìn ra ngoài vùng tuyết phủ. Anh viết thư cho bạn bè và thư từ, điện thoại ngày một nhiều hơn. Tôi có cảm tưởng là tôi không giữ anh Mai Thảo ở lại với Syracuse được bao lâu nữa. Và một buổi chiều, anh đã tần ngần khi nói với vộ chồng tôi:

"Khi mới tới Mỹ, sống một đời sống đầy đủ với gia đình Khánh, tôi không còn nhu cầu gì nữa. Nhưng bây giờ, tôi thấy điều tôi nghĩ trước, không còn đúng nữa. Tôi sống cần phải có bạn bè. Tôi không thể sống không có bạn bè được. Ở đây tôi không thiếu bất cứ một thứ gì, nhưng bạn bè tôi ở các nơi khác, tôi cần tới với họ. Vợ chồng Khánh để tôi qua các tiểu bang miền Tây. Sau một thời gian đi thăm bạn bè, nếu tôi thấy muốn trở lại đây thì tôi sẽ trở lại và chắc chắn lúc ấy tôi sẽ không đi đâu nữa. Nhưng bây giờ, Khánh và Linh nên để cho tôi tới gặp bạn bè và sinh hoạt với họ đã."

Gia đình tôi tiễn anh ra phi trường Syracuse. Anh tới California ở lại một thời gian ngắn, sau đó anh đi Seattle cộng tác với tờ Đất Mới. Cuối năm 79 chúng tôi cũng rời Syracuse dọn về California. Anh Mai Thảo từ Seattle trở về ở chung với gia đình chúng tôi được sáu năm, trong căn nhà gần khu Bolsa. Tôi đã được gặp hầu hết các bạn thân, sơ của anh tại căn nhà này. Sau đó, vì các cháu đã lớn, gia đình tôi cần một chỗ ở rộng rãi hơn, nên chúng tôi dọn về phía Nam quận Cam, cách xa khu Bolsa. Vì bất tiện cho việc làm báo nên anh Mai Thảo ở lại với Bolsa, không dọn theo chúng tôi. Các bạn hữu của anh ngạc nhiên vì Mai Thảo không thể ở với ai được hơn sáu ngày thế mà anh đã sống chung với gia đình tôi được hơn sáu năm. Có lẽ vì chúng tôi tôn trọng đời sống tự do và bạn bè của anh.

Theo tôi, Mai Thảo là một người tốt. Tốt với gia đình, tốt với bạn bè, tốt với tất cả mọi người. Anh không nói xấu ai sau lưng. Nếu anh giận, anh không vừa lòng, anh nói trước mặt người đó, bất luận người đó là ai. Nhưng sau cơn giận, anh trở lại với bản tính dễ thương của anh. Nhiều lần đọc báo thấy người ta mạt sát anh thậm tệ, tôi nóng ruột tới hỏi anh:

"Tại sao người ta chỉ trích anh nặng nề như thế mà anh không lên tiếng?"

Anh nói:

"Sống với người, với đời, phải có lòng. Tấm lòng ở đây là la bonté. Con người không có la bonté là vứt đi. Phải sống thành thật với người, với đời. Vì thế nên tôi không bao giờ dùng ngòi bút của tôi để phê phán, chỉ trích hay nói một điều xấu về ai hoặc để trả lời lại những kẻ mạt sát tôi. Người ta muốn chỉ trích, muốn nói xấu tôi, cứ nói. Khánh thấy người ta chỉ trích tôi trên báo chí vì họ muốn độc giả thấy tên họ đứng trên cùng một trang báo với Mai Thảo. Họ thích như vậy, cứ để cho họ làm, tôi sẽ không bao giờ viết lại."

Tại sao anh lại chọn bút hiệu Mai Thảo, chính gia đình tôi cũng chưa hỏi anh điều này. Anh muốn mọi người gọi anh là Mai Thảo. Anh còn một bút hiệu nữa mà anh ít dùng là Nguyễn Đăng. Nguyễn Đăng là tên dòng họ gia đình tôi. Điểm đặc biệt của dòng họ Nguyễn Đăng là không bao giờ thay đổi tên đệm. Anh Mai Thảo chỉ thỉnh thoảng dùng bút hiệu Nguyễn Đăng khi anh viết cho tờ Điện Ảnh và Kịch Ảnh ở Sài Gòn. Tôi nghĩ, có lẽ căn nhà vùng đất mặn của gia đình tôi ở Nam Định đã gợi ý cho anh chọn bút hiệu Mai Thảo. Căn nhà đó ở bên bờ một con sông đào. Từ cửa sổ trên lầu hai nhìn qua bên kia sông là một vùng ruộng lúa bao la xanh mát tới tận chân trời. Mỗi bình minh, nắng vàng rực rỡ, cây cỏ hoa lá nở mầm tươi tốt. Như trong Tháng Giêng Cỏ Non.

Nhiều nhà phê bình văn học đã viết về văn thơ, về cuộc đời Mai Thảo, nhưng tôi chưa thấy ai đề cập đến mối quan tâm và lòng yêu mến của Mai Thảo đối với thế hệ tương ai và tuổi trẻ. Có một thời ở Sài Gòn, người ta gắn liền Mai Thảo với Sáng Tạo và thuyết Hiện Sinh. Lúc ấy, tôi làm việc ở Huế và là sinh viên Luật khoa Huế. Gia đình tôi mướn phòng trên lầu Hotel Morin - sau này trở thành Viện Đại Học Huế. Thỉnh thoảng anh Mai Thảo ra thăm Huế và ở chơi với chúng tôi. Bạn thân của anh là anh Vũ Quang Ninh, làm Giám đốc đài Phát thanh Huế. Một buổi sáng, đứng trên lầu nhìn xuống, tôi thấy sinh viên tụ tập dưới sân, mỗi người cầm trên tay một cuốn sách. Thấy lạ, tôi xuống sân hỏi một sinh viên:

"Anh cầm sách gì mà thấy anh nào cũng cầm một cuốn?"

Anh sinh viên trả lời:

"Đây là cuốn sách gối đầu giường của tụi tôi."

Tò mò, tôi mượn coi thì đó là tờ Sáng Tạo. Tôi không nói với anh bạn kia tôi là em của chủ nhiệm Sáng Tạo. Tôi chỉ hỏi tiếp:

"Tại sao các anh thích đọc báo này?"

Anh nói:

"Anh không đọc Sáng Tạo tôi cũng hơi ngạc nhiên. Tất cả sinh viên trong trường này đều đọc Sáng Tạo. Tạp chí này đem đến cho chúng tôi một nhân sinh quan mới, một luồng gió mới cho thanh niên và thế hệ trẻ. Nhà văn Mai Thảo thỉnh thoảng có ra Huế nói chuyện với sinh viên. Chừng nào có, anh nên đi nghe."

Một lần, anh Mai Thảo ra Huế, tôi hỏi anh:

"Chiều nay anh ăn cơm ở nhà hay anh đi đâu?"

Mai Thảo trả lời:

"Tôi có một cuộc họp mặt với sinh viên ở đây. Tôi ra đây là để nói chuyện với họ."

"Tại sao anh lại nói chuyện với sinh viên ở đây?"

"Họ rất đáng yêu!"

"Mỗi lần họp với sinh viên, anh nói với họ những gì? Và thường thường những buổi họp đó diễn ra như thế nào?"

"Tại một đại giảng đường nào đó, sinh viên và tôi cùng ngồi với nhau dưới đất và tôi nói với những người trẻ đó về mọi vấn đề, và tôi nghe họ nói về các ước vọng của họ."

"Trong những buổi nói chuyện đó, anh thấy phản ứng của sinh viên ra sao?"

"Tôi rất vui và mừng khi thấy các sinh viên bây giờ họ trưởng thành và có nhiều ý kiến rất tốt, rất xây dựng. Họ là niềm hy vọng của một Việt Nam trên đà tiến triển rất xa về văn hóa, văn học nghệ thuật và kỹ thuật. Hệ thống đại học bây giờ rất tuyệt. Tôi đã nói chuyện với họ nhiều lần và sẽ còn nói chuyện với họ nhiều lần nữa."

Đó là thời điểm thập niên 60. Và những sinh viên nói về Mai Thảo và Sáng Tạo ở trên là những nhân vật được mô tả sau này trong Mùa Biển Động của nhà văn Nguyễn Mộng Giác.

Nguyễn Đăng Khánh

(Văn, số đặc biệt Tưởng mộ Mai Thảo, tháng 2/1998)
(HỢP LƯU số 100, Mai Thảo, tháng 4&5 năm 2008)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 20236:56 CH(Xem: 6417)
Ai cũng ghét kẻ khoe khoang và gọi kẻ ấy là hợm hĩnh khó ưa. "Khoe khoang" có gọi là "phô bày" không? Có đó, vì cả hai đều đồng nghĩa như nhau nhưng tôi thấy kẻ phô bày lại đáng thương hơn là đáng ghét đó. Có ai trong đời này mà không hề có sự phô bày cho người ta thấy chứ, ta thích được người biết cùng, khen cùng ta những điều ta có. Bây giờ có facebook thì điều này thể hiện rõ nhất qua nút chia sẻ đó.
13 Tháng Hai 20232:24 SA(Xem: 6211)
Nhớ lại những tháng năm xưa thời còn ở quê nhà. Đêm giao thừa sau khi đặt mâm cúng xong cả nhà mình đều xuất hành về hướng đông đi lễ chùa, má mặc áo dài màu nâu còn mình và bọn trẻ lại mặc đồ tây bình thường theo má. Má lạy Phật lạy hương linh ông bà chùa Long Khánh rồi sang chùa Tâm Ấn cũng như thế. Mình nhớ ngày ấy trời trong lắm lại mang hương xuân lành lạnh, đường phố sạch đẹp và đâu đó vẫn còn lác đác vài người phu quét lá bên đường còn sót lại. Mình hít hương xuân ngày đầu năm mới vào hồn với cả hân hoan.
06 Tháng Giêng 202312:51 SA(Xem: 7067)
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là thầy dạy tôi. Thầy sinh năm 1923, năm nay tròn 100, còn tôi sanh năm 1936, thầy hơn tôi 13 tuổi, năm nay tôi cũng đã 87. Tính ra năm thầy dậy tôi cách đây đã đến 70 năm rồi. Ở cái thời mà ai cũng gọi người dậy học là “Thầy”, dù là từ lớp vỡ lòng cho đến hết lớp trung học chứ không gọi là “Giáo sư” như những năm sau này. Mà người đi học thì gọi là “Học trò” chứ ít ai gọi là “Học sinh”. Thầy dậy tại trường Chu Văn An năm nào, thì tôi được học thầy năm đó. Tôi không còn nhớ mấy năm, nhưng đọc tiểu sử của thầy, trên mạng Wikipedia cho biết thầy chỉ dậy ở trường CVA có một năm 52-53, sau khi thầy dậy ở Nam Định một năm 51-52. Trang mạng này, có ghi thầy di cư vào Nam năm 54, đoạn sau lại ghi thầy dậy trường Trần Lục tại Saigon năm 53-60. Tôi không nghĩ rằng hai trường Công Giáo Trần Lục và Hồ Ngọc Cẩn dọn vào Saigon trước năm 54.
05 Tháng Giêng 202311:09 CH(Xem: 7175)
Võ Tòng Xuân, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 (tuổi con rồng / Canh Thìn), tại làng Ba Chúc trong vùng Thất Sơn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Xuất thân từ một gia đình nghèo với 5 anh em. Học xong trung học đệ nhất cấp, VTX lên Sài Gòn sớm, sống tự lập, vất vả vừa đi học vừa đi làm để cải thiện sinh kế gia đình và nuôi các em... Miền Nam năm 1972, đang giữa cuộc chiến tranh Bắc Nam rất khốc liệt – giữa Mùa Hè Đỏ Lửa, Đại học Cần Thơ lúc đó là đại học duy nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), được thành lập từ 31/03/1966 thời Việt Nam Cộng Hòa đang trên đà phát triển mạnh, và đã có khóa tốt nghiệp đầu tiên ra trường (1970). Võ Tòng Xuân đã được GS Nguyễn Duy Xuân (1970-1975) – là Viện trưởng thứ hai sau GS Phạm Hoàng Hộ (1966-1970), viết thư mời ông về phụ trách khoa nông nghiệp – lúc đó trường vẫn còn là có tên là Cao Đẳng Nông nghiệp, với tư cách một chuyên gia về lúa.
11 Tháng Mười Một 202212:24 SA(Xem: 7837)
Mưa rơi trong màn hình laptop, tôi thèm nghe tiếng mưa. Đêm nay. Mưa Cali hiếm hoi, cứ như chẳng bao giờ muốn có. Nhưng dù đã cố gắng cách mấy, tôi vẫn không thể nhận ra cái rì rào ướt át, chút rét mướt của gió đêm, qua những giọt “mưa giả”, ” mưa máy móc”, “ mưa trong computer”.
01 Tháng Mười Một 202212:25 SA(Xem: 8290)
Sáng sớm, ông bác sĩ quản lý vào phòng báo tin: sau khi hội ý với các bác sĩ chuyên khoa, tất cả đồng ý để tôi xuất viện vào trưa hôm nay và một tháng sau trở lại tái khám. Thú thực, tôi mừng lắm, nghĩ mình đã được sinh ra lần thứ ba! Lần đầu, vào lúc khởi diễn cuộc Thế Chiến Thứ Hai, Mẹ sinh tôi tại một làng quê thuộc Tỉnh Hải-Dương, miền Bắc Việt-Nam; lần thứ hai cách đây bốn mươi năm, là lúc tôi được phóng thich khỏi trại tù Vĩnh-Quang, một trong những nơi giam giữ các sĩ quan miền Nam, dưới chân núi Tam-Đảo thuộc tỉnh Vĩnh-Phú, cũng tại miền Bắc Việt-Nam. Và lần này, lần thứ ba được sinh ra, là ngày tôi xuất viện, sau một thời gian trị liệu nhiều “gian khổ”, “cam go” tại một bệnh viện nổi tiếng ở Houston, Texas.
05 Tháng Mười 20225:58 CH(Xem: 3389)
Thật khó ngỡ tôi có thể sống tới tuổi 80—dù chỉ lả tuổi khai sinh. Cha mẹ cho tôi “mang tiếng khóc bưng đầu mà ra” ngày mồng 6 tháng 10 năm Nhâm Ngọ —tức 13/11/1942—tại Phụng Viện thượng, tục gọi là Me Vừng, quận Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, sau ngày cha thoát khỏi những trại tù khổ sai của Việt Cộng, định cư tại tỉnh lỵ Hải Dương hoang tàn, đổ nát, rổi dàn xếp cho mẹ và hai anh em tôi trốn ra đoàn tụ, khi làm giấy thế vì khai sinh hai anh em tôi đều được khai sinh với năm tây lịch, và ngày tháng âm lịch. Ngày sinh trên giấy tờ trở thành 6/10/1942. Bởi thế, từ buổi di dân qua Mỹ, mỗi năm tôi có tới ba sinh nhật. 6/10, 13/11 và một ngày tây lịch nào đó tương ứng với ngày 6/10 âm lịch. Vợ tôi—người tình đầu đời từ trại Bác Ái xóm Cây Quéo, Gia Định 62 năm trước, cũng nguổn cảm hứng của những vần thơ khởi đầu văn nghiệp—thường tăng khẩu phần lương thực với lời chúc..
01 Tháng Chín 20224:56 CH(Xem: 2903)
Trong quá trình khảo sát kỹ lưỡng đó , một lần nữa , thú thực tôi chỉ có thể xếp tranh của anh vào Trường Phái Chọc Ngứa Thần Kinh Thị Giác (Itchy Poking for Optic Nerve) ! Tranh của anh quá dễ vẽ, chỉ cần cầm cọ lên rồi nhúng vào bảng mầu và quẹt tưới xượi với những nét kéo dài trên mặt vải ! Chả cần phải tĩa tót cho giống đôi mắt , cái mũi, đôi môi hay mái tóc của người mẫu, chả cần có cái nhìn phớt qua của họa sĩ ấn tượng ! Cái anh chàng họa sĩ trong hang động ngày xưa , lúc chán đời cũng có thể quẹt cọ tưng bừng như anh ấy mà ! Nhưng không, anh chàng họa sĩ hang động ấy làm việc nghiêm túc và lao động cật lực hơn anh nhiều, anh ta vẽ con bò ra con bò , con hươu ra con hươu, con ngựa ra con ngựa , con chim cú ra con chim cú ! Vì sao vậy ? Bởi vì khi anh ta cầm cọ để vẽ , trong đầu anh ta đã có một định ý ! Còn anh thì không ! Trong đầu anh không có một định ý nào cả , nên anh gọi các tác phẫm của anh là Ứng Tác , được trưng bày trong Phòng triển lãm tranh có tên là “Improvisation”
21 Tháng Bảy 202211:32 SA(Xem: 8419)
Tôi hiểu nỗi thất vọng, sự đau lòng của em sau đợt thi năng khiếu chuyên ngành đạo diễn vừa rồi; và mọi lời an ủi lúc này là vô nghĩa. Tôi chỉ có đôi dòng tâm sự may ra có thể giúp em bình thản lại, dù lúc này có thể một số người thân gia đình em đang bĩu môi: “Ai bảo cứ khích nó đi vào cái nghề "chân không tới đất cật không tới trời", mơ mộng viển vông! Kỹ sư, bác sĩ còn chẳng ăn ai, nữa là cái nghề “đào giếng” (nhại vui cách nói của người miền Trung Trung Bộ)…
06 Tháng Bảy 20225:37 CH(Xem: 7796)
Người ta nói con trai thương má, còn con gái thì thương ba nhưng tôi là con gái tôi lại thương má tôi lắm, thương tự khi tôi còn nhỏ. Má tôi là một người phụ nữ đẹp và thật nhiều cá tính rất sống động. Nghe Má kể ngày xưa bà Ngoại thuộc loại tân tiến nên Ngoại cho Dì Hai, cho Cậu và cho Má được đi học chứ không câu nệ là con gái con trai gì cả. Hồi đó Má tôi học giỏi lắm nhưng Dì mất sớm rồi Ngoại cũng đột ngột mất, Má ở với bà Cố nên không có điều kiện đi học nữa cho đến lúc lấy chồng.