- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Gabriel Garcia Marquéz ‘Vĩ nhân không bao giờ chết cả’

17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34216)

Đại văn hào Gabriel Garcia Márquez, gốc Colombia, tác giả cuốn tiểu thuyết danh tiếng “One Hundred Years of Solitude” và là người đã đoạt giải Văn Chương Nobel năm 1982, đã qua đời ngày 17 tháng 4 vừa qua tại nơi ông sinh sống bấy lâu ở Mexico City, hưởng thọ 87 tuổi.

td_1-content
 

Gabriel García Márquez, nhà văn tên tuổi, thành viên của giải Nobel văn chương và tác giả của tác phẩm lừng danh “One Hundred Years of Solitude”, đã qua đời thứ Năm ngày 17 tháng 4 năm 2014, ở tuổi 87.


“One Hundreds Years of Solitude” không phải là cuốn tiểu thuyết duy nhất của ông, nhưng là cuốn nổi tiếng nhất và được nhiều người biết đến vì tài kể chuyện của tác giả, vì sự phong phú về văn chương, về tình tiết và bối cảnh lịch sử lồng vào với huyền thoại, vì câu chuyện trải dài ra tới bẩy thế hệ của cặp nhân vật chính, vì sự đan kết giữa hiện thực và siêu thực, và vì những lớp chủ đề chồng chất lên nhau như một di tích khảo cổ được khai quật lên phơi bầy nhiều thành phố xây chồng lên nhau từ đời này qua đời khác. Tóm lại, toàn bộ cuốn tiểu thuyết tuy lôi cuốn người đọc giở hết trang này tới trang khác, nhưng không dễ gì nắm bắt được ý chính của tác giả vì tính cách đồ sộ và choáng ngộp của các sự việc.

Chính qua cuốn tiểu thuyết này mà có nhà phê bình đã ví Garcia Marquéz với nhà tiểu thuyết, nhà thơ và kịch tác gia Miguel de Cervantes của thế kỷ 16, và cuốn “One Hundred Years of Solitude” với cuốn “Don Quixote” của Cervantes mà đời sau vẫn có thể đọc lại, mượn ý và nhân vật để phóng tác và mặc cho tác phẩm tái tạo đó một ý nghĩa, một chủ đề tùy theo tâm tình thời đại.

Cuốn “One Hundred Years” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, bán tới mấy chục triệu ấn bản. Tại Nam Việt Nam trước năm 1975, cuốn sách đã được dịch ra với tựa đề “Trăm Năm Hiu Quạnh”, do nhà xuất bản Nhân Chủ, một bộ phận của nhật báo Sóng Thần hồi ấy, đặt nhà văn và phóng tác gia điêu luyện Hoàng Hải Thủy dịch. Được cử trông coi nhà xuất bản hồi ấy, nên tôi có dịp đọc (và sửa) bản dịch (từ bản Anh ngữ rất linh động của Gregory Rabassa) khi còn là bản vỗ (galley proofs) của anh Hoàng Hải Thủy một cách say sưa. Đáng tiếc là độc giả Việt hồi ấy không có dịp đọc bản dịch này vì lý do giản dị: nó không bao giờ được ra chào đời. Trước khi đưa sang nhà in, bộ bản vỗ toàn cuốn sách dịch, có lẽ cũng khoảng gần 1,000 trang, được gửi lên sở Kiểm Duyệt thuộc Bộ Thông Tin của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Kết quả: có lệnh cấm vì có nhiều đoạn trong sách bị coi là “vi phạm thuần phong mỹ tục”. Tôi không tin rằng những người kiểm duyệt sách dạo ấy lại uyên bác tới độ đề nghị cấm cuốn sách vì khuynh hướng khuynh tả của tác giả, người vẫn lớn tiếng bênh vực Cuba và Fidel Castro - một lý do đã khiến ông bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ cho tới khi Tổng thống Bill Clinton, một độc giả của ông khi còn trẻ, bãi bỏ lệnh cấm đó. 

 

Gabriel Garcia Marquéz, hay “Gabo”, như những người mến mộ ông trong cộng đồng Châu Mỹ La Tinh vẫn gọi ông như thế, ra đời ngày 6 tháng 3 năm 1927 tại một tỉnh nhỏ thuộc miền bắc quốc gia Colombia, tên là Aracataca mà ông đã mượn nó để xây dựng nên tỉnh Macondo, trung tâm điểm của đại tác phẩm “Trăm Năm Hiu Quạnh” xuất bản lần đầu tiên vào năm 1967. Ông còn đem nơi chôn nhau cắt rốn đó vào hai tác phẩm nữa, cuốn tiểu thuyết ngắn “Leaf Storm”, và cuốn tiểu thuyết “In Evil Hour”.

 

Khi ông còn nhỏ, cha mẹ phải đi làm ăn xa, nên Garcia Remarquéz được ông bà ngoại nuôi dưỡng. Ông ngoại ông, Đại tá Nicolá Ricardo Marquéz Mejía, một cựu quân nhân có tư tưởng cấp tiến, từng trải, trực tính và có biệt tài kể chuyện, đã giót vào tai ông những mẩu chuyện của thời ông và các chiến hữu chống lại giới bảo thủ và những chi tiết lịch sử, xã hội đã đưa tới những tranh chấp, cả nội chiến. Trong khi đó, bà ngoại ông, bà Doña Tranquilina Iguarán Cotes, lại thường kể cho ông nghe những chuyện không tưởng, ma quái, huyễn hoặc bằng giọng nghiêm chỉnh như thể đó là sự thật, những chuyện mà chồng bà cho là mê tín dị đoan, nhưng cậu bé Gabriel thì lại như bị hút hồn và đã dùng làm chất liệu cho cuốn “Trăm Năm” sau này.

 

Marquéz khởi nghiệp bằng nghề viết báo trong lúc theo học luật tại trường Đại học Quốc gia Colombia. Vào thập niên 1950, ông cộng tác với nhiều báo tại thành phố Baranquilla ở phía bắc Colombia bên bờ biển Caribbean. Cũng trong thời gian này ông gia nhập một nhóm gồm các nhà văn, nhà báo tên là Baranquilla Group rất có ảnh hưởng tới văn học Châu Mỹ La Tinh, và làm quen với những tác phẩm của các tác giả Mỹ như James Joyce, Virginia Woolf và đặc biệt William Faulkner. Văn phong của tác giả sau này, cũng như của Frank Kafka, đã ảnh hưởng nhiều tới ông.

 

Vào giữa thập niên 1950, Marquéz dời Colombia đi Âu Châu, một phần vì một loạt bài phóng sự điều tra tựa là “The Story of a Shipwrecked Sailor” (Câu chuyện của một gã thủy thủ bị đắm tầu) đã khiến chính quyền địa phương không bằng lòng vì nội dung đi ngược lại với lời giải thích của nhà cầm quyền về nguyên nhân đưa đến vụ đắm tầu, nên tờ El Espectador mà ông cộng tác đã cử ông đi làm phóng viên nước ngoài. Chính những kinh nghiệm báo chí của ông đã xây nền cho sự nghiệp viết văn của ông sau này. “Chính nhờ những kinh nghiệm báo chí này mà Garcia Marquez, giống như nhiều nhà văn lớn còn sinh tiền, là người gần gụi nhất với thực tại thường nhật vậy,” nhà phê bình Bell-Villada đã nhận xét.

Garcia Marquéz tiếp tục sáng tác truyện cho các tạp chí Châu Mỹ La Tinh trong nhiều năm. Cuốn “Leaf Storm” viết xong tới cả năm năm mới có nhà xuất bản chịu in vào năm 1955, là cuốn tiểu thuyết ngắn mà ông thích nhất, ông cho biết, vì nó thành thực và bột phát. Đó là một câu chuyện với mọi diễn biến xẩy ra trong một căn phòng vào một ngày thứ Tư 12 tháng 9 năm 1928 khi một ông đại tá già (giống như ông ngoại của Marquéz) tìm cách tổ chức một cuộc chôn cất theo lễ nghi Thiên Chúa giáo cho ông bác sĩ người Pháp không ai ưa khi còn sống, do đấy họ không muốn ông ta được hưởng nghi lễ đó. Mọi người phản đối trừ cô con gái và đứa cháu ngoại. Truyện cũng phản ảnh kinh nghiệm của một đứa bé lần đầu đối diện với cái chết, và lần đầu được viết từ góc nhìn của người con gái.

Phải chờ tới năm 1967 với sự ra đời của “One Hundred Years of Solitude” Garcia Marquéz mới trở nên một tác giả được quảng đại quần chúng tìm đọc.

Từ hồi mới 18 tuổi Garcia Marquéz đã muốn viết một cuốn tiểu thuyết về ngôi nhà của ông bà ngoại nơi ông đã sống thời thơ ấu và nghe ông bà kể đủ thứ chuyện. Tuy nhiên ông đã lần lữa trì hoãn vì chưa tìm ra được đúng văn phong cho tới một ngày nọ trong lúc lái xe đưa gia đình đi nghỉ mát, ý tưởng chợt đến trong đầu. Thế là ông vòng xe đưa gia đình về nhà và cặm cụi viết từ đó. Phải 18 tháng sau, sau khi bán xe và những đồ vật giá trị trong nhà, kể cả vay nợ để chi dùng, ông hoàn tất “Trăm Năm Hiu Quạnh”.

Cuốn tiểu thuyết khi xuất bản vào năm 1967 đã trở thành một thành công về thương mại đồng thời đưa ông lên đài danh vọng. Cuốn “Trăm Năm Hiu Quạnh” và những tác phẩm kế đó đã giúp ông đọat giải văn chương Nobel vào năm 1982. Nhờ danh tiếng quốc tế của ông mà ông đôi phen đã giúp hoà giải giữa chính phủ Colombia và quân phiến loạn. Do khuynh hướng chính trị khuynh tả và là người công khai bênh vực Cuba của Fidel Castro mà ông bị cấm không cho nhập cảnh nước Mỹ cho mãi tới thời Tổng thống Clinton là người đã bãi bỏ lệnh cấm đó.

Khi nghe tin tác giả “Trăm Năm Hiu Quạnh” qua đời ngày thứ Năm 17 tháng 4 vừa qua, ông Clinton đã tuyên bố, “Tôi lấy làm đau buồn nghe tin Gabriel Garcia Marquéz đã qua đời. Từ khi tôi đọc ‘Trăm Năm Hiu Quạnh’ tới giờ đã 40 năm, tôi luôn kinh ngạc về tài tưởng tượng độc nhất vô nhị của ông, sự trong sáng trong ý tưởng, và sự chân thành trong cảm xúc. Ông đã nắm bắt được nỗi đau đón và niềm hân hoan của cộng đồng nhân loại trong bối cảnh vừa thực vừa huyền hoặc.”

Về phương diện văn chương, ông một trong những nhà văn phần lớn của Châu Mỹ La Tinh đã mở đầu một phong trào văn chương có tên gọi là “magical realism” (dịch nôm na là “chủ nghĩa hiện thực huyền hoặc”), một thể loại đan kết những yếu tố kỳ quái không tưởng vào thể văn chương hiện thực.

Tuy thành công tột cùng trong văn chương, Garcia Marquéz không từ bỏ báo chí. “Tôi luôn tin rằng nghề nghiệp chính của tôi là một nhà báo,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí The Paris Review. “Cái mà tôi không thích trong báo chí là điều kiện làm việc. Bây giờ, sau khi làm việc với tư cách là nhà tiểu thuyết, và đã đạt được sự độc lập về tài chính, tôi có thể thực sự chọn những chủ đề mà tôi thích và hạp với tư tưởng của tôi.”

Là một trong những tác giả được trọng vọng và quý trọng nhất thế giới, đặc biệt ở vùng đất Châu Mỹ La Tinh, nơi văn chương được coi là nghiêm túc ngang với chính trị, sự ra đi của ông đã gây thương tiếc không chỉ nơi độc giả đông đảo của ông, mà còn nơi các nhà lãnh đạo.

“Nhân danh Mễ Tây Cơ, tôi xin tỏ bầy niềm đau đớn trước sự ra đi của một trong những đại văn hào của thời đại chúng ta,” Tổng thống Mễ Enrique Pena Nieto đã tweet như vậy, theo tường thuật của cnn.com.

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos thì tweet ngắn gọn về sự hiện diện của tác giả “Trăm Năm Hiu Quạnh” như sau:

“Vĩ nhân không bao giờ chết cả.”

[TD, 04/2014]



Hình ảnh:



td_2-content
Vua Carl Gustaf của Thụy Điển, phải, trao giải Nobel về văn chương cho ông Gabriel Garica Marquéz vào ngày 10 tháng 12 năm 1982.



td_3-content
Tài tử kiêm đạo diễn Robert Redford ngồi với García Márquez ở Havana, Cuba, năm 1988.



td_4-content
Garcia Marquéz trong một bức hình chân dung tại Paris, năm 1991.



td_5-content
Fidel Castro của Cuba nói chuyện với Garcia Marquéz tại hội xì gà thường niên ở Havana, năm 2000. Marquéz thường lớn tiếng bênh vựa Cuba khiến ông bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ nhiều năm. 



td_6-content

Tổng thống Hoà Kỳ Bill Clinton nói chuyện với Garcia Marquéz tại Hội nghị Quốc tế về Sinh ngữ Tây Ban Nha tại Cartagena, Columbia, năm 2007. Ông Clinton là người đã bãi bỏ luật cấm nhập cảnh của tác giả “Trăm Năm Hiu Quạnh” mà Clinton nói ông đã từng đọc và thích 40 năm về trước khi còn trẻ.




td_7-content

Garcia Marquéz vẫy tay với những người ra đón ông khi ông trở về thăm quê hương tại Aracataca, Colombia.
 

td_8-content

Trái, ấn bản đầu tiên cuốn tiểu thuyết “Trăm Năm Hiu Quạnh” bằng tiếng Tây Ban Nha, Editorial Sudamericana, Buenos Aires, 1967. Phải, bản dịch Anh ngữ, do Gregory Rabassa dịch và Harper and Row xuất bản năm 1970. (Ảnh Internet)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Mười 20233:58 CH(Xem: 4114)
Người ta thường ví Mèo như một người phụ nữ, bởi Mèo có vẻ nhẹ nhàng nhỏ nhẻ từ cách ăn, cách ngủ cả đến lúc Mèo gần gũi, nũng nịu bên chủ để được che chở vuốt ve. Tôi không thích Mèo và không bao giờ có ý nghĩ là mình sẽ nuôi Mèo. Tôi cho rằng cái cách dịu dàng của Mèo như một sự dối trá ẩn sau cái ác. Bởi lẽ lúc nhỏ, tôi đã từng chứng kiến và xót đau khi cái lũ mèo nhà hàng xóm xé tan xác ăn thịt mấy con chim bồ câu nhà mình nuôi. Nửa đêm khuya khắc tôi hay bị thức giấc vì tiếng kêu, tiếng chạy đuổi nhau trên mái tôn nhà ông Lý sát cạnh nhà mình, nghe bắt rợn người. Và có lẽ vì Mèo nó có cái vẻ yểu điệu, dịu dàng tương phản với cái vẻ thô thô, cứng ngắt của tôi nên tôi ghét nó...
24 Tháng Mười 20233:22 CH(Xem: 3808)
Mọi thông tin luôn nhanh chóng hiển thị trước mán hình vi tính . Chuỗi sự kiện của cuộc sống quanh tôi và tôi cảm nhận nó bằng tâm hồn mình./ Mỗi buổi sáng, khi thức thức dậy, bước xuống giường, vén mùng là tôi đã start máy, rê chuột là cả thế giới hiển thị trước mặt . Cây trong vườn vẫn xanh như độ nào, cành nhãn nở chùm bông trắng đầu mùa in bên khung cửa sổ như một bức tranh. Ngày nắng cũng như mưa, nó luôn hiển thị. Một thế giới hiện thực đầy hư ảo! / Tôi thích mơ mộng, trong tôi luôn hình dung những sự kiện rồi huyễn tưởng và sống với niềm hạnh phúc chứa chan trong cõi mộng đó.
16 Tháng Mười 20236:02 CH(Xem: 4696)
Sau mấy stt. của hắn trên MXH về chuyện vu cáo tồi tệ của vài vị “chức sắc” ở Hội Kiều học (Hội khoa học nghiên cứu Nguyễn Du & Truyện Kiều), cô con gái hắn - sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV vừa về tới nhà đã xộc tới bàn làm việc của hắn, với gương mặt đỏ bừng mà ngày thường vẫn lạnh như bà hoàng Băng giá, nó tức tối chất vấn, như hành hạ ông bố đã thất bại đủ thứ và đang khốn khổ đủ điều
16 Tháng Mười 20235:52 CH(Xem: 4512)
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
12 Tháng Chín 20231:37 SA(Xem: 6220)
Phàm những gì người ta thích thì thường chòi mòi chốc mảy vì thứ ấy. Ví như người mê gái đẹp (thấy gái đẹp ai không mê, người nào nói không mê gái có mà hâm!), cô nào có vóc dáng lả lướt, ngồ ngộ, trang phục hơi sex đôi chút thì con ngươi như dán chặt vào đó. Lại có người thích chơi chim, mỗi lần nghe tiếng hót là như bị hốt hồn. Mỗi cách chơi đều có hội riêng, tập hợp những người cùng sở thích, chủ nhân của những quán cà phê vỉa hè cũng đã tận dụng cái sở thích ấy để mà câu khách. Trên cành cây có treo dăm ba lồng chim, bên ly cà phê mà tán pháo, tán cái vui dân dã của mình. So cọ con chim này hót hay , con chim kia đang bắt đầu thay lông. Và cũng từ đó, có nhiều kẻ tìm được khối tiền vì những trò chơi.
10 Tháng Chín 20238:59 CH(Xem: 5934)
Sau gần một năm, chính xác là 11 tháng và 15 ngày, chữa trị ung thư mắt tại một bệnh viện nổi tiếng ở Houston, Texas, nay tôi đã về nhà yên bình và niềm vui trong lòng dâng cao mãi. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi nhận ra mình thực sự sống sót, thoát chết, trở về trong “chiến thắng vinh quang”, sau cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác. Căn bệnh ấy quái ác thật, nguy hiểm thật, chỉ nghe tên cũng rùng mình run sợ. Điều trị khỏi bệnh ung thư đối với riêng tôi, là một dấu ấn hằn sâu trong tâm não. Đã có biết bao người bỏ cuộc giữa đường. Tôi thì không! Một chiến sĩ trên đường ra mặt trận, được trang bị tinh thần quyết chiến, quyết thắng, lẽ nào tôi không có chiến công mang về. Trung tâm ung thư nằm ở tầng lầu 14 của bệnh viện, đã gợi ý tôi, tưởng tượng rằng mình đã xuống tới tầng địa ngục thứ 14, và không ngại ngùng, ghi lại những cảm xúc chân thực và niềm vui sướng tuyệt vời trong bài hồi ức “Trở về từ tầng…14”.
04 Tháng Chín 20238:52 CH(Xem: 4979)
Mùa thu này, nhà thơ Hoàng Hưng và phu nhân trở lại thăm Thủ đô. Ông có gọi tôi cùng tới studio riêng của họa sĩ Trần Lương. Giữa cơn hứng trò chuyện với họa sĩ, ông tìm đến “quốc hồn quốc túy” qua sợi thuốc lào Vĩnh Bảo, và tôi đã chộp được một hình ảnh của ông để rồi chợt thấm một nỗi buồn…
05 Tháng Tám 20239:50 CH(Xem: 5978)
“Khi người ta 19 tuổi, người ta là bà hoàng” - đó là một câu trong bộ tiểu thuyết sử thi “Con đường đau khổ” của nhà văn Nga A. Tolstoy mà bố từng lấy làm đề từ cho bài cảm ngôn “Viết dành cho con gái năm con 19 tuổi” từ những năm bố còn là một chàng trai mơ mộng lang thang trên những nẻo rừng Tây Bắc. Vài chục năm sau, vào lúc con đọc những dòng này của bố, khi con chuẩn bị bước vào năm thứ hai đại học, cũng là lúc cả xã hội ta đang trong một cơn xáo động kinh hoàng với bao giá trị đảo lộn quay cuồng khiến những cô cậu sinh viên quen sống trong vòng tay gia đình che chở như con phải hoang mang, ngơ ngác, hoảng sợ…
09 Tháng Sáu 20234:29 CH(Xem: 6345)
Con gái tôi thích ăn canh ổ qua xắt mỏng nấu với tôm, khi chín bỏ chút hành ngò rắc chút tiêu, món ăn ngày xưa của mẹ con tôi hay nấu nhưng bây giờ tôi lại hay nấu canh rau mồng tơi với tôm vì bọn trẻ con thích món này hơn chúng chê canh ổ qua đắng. Ngày xưa, mỗi lần cúng giỗ nhà tôi hay nấu canh ổ qua nhồi thịt, món này ba má tôi đều thích ăn, cả chúng tôi cũng hưởng ứng nên ngày thường cũng nấu. Sau 75 lại ít có vì thời khốn khó mà, thứ gì cũng không dễ có mà ăn.
08 Tháng Ba 20236:56 CH(Xem: 6235)
Ai cũng ghét kẻ khoe khoang và gọi kẻ ấy là hợm hĩnh khó ưa. "Khoe khoang" có gọi là "phô bày" không? Có đó, vì cả hai đều đồng nghĩa như nhau nhưng tôi thấy kẻ phô bày lại đáng thương hơn là đáng ghét đó. Có ai trong đời này mà không hề có sự phô bày cho người ta thấy chứ, ta thích được người biết cùng, khen cùng ta những điều ta có. Bây giờ có facebook thì điều này thể hiện rõ nhất qua nút chia sẻ đó.