- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tháng ngày lưu lạc

01 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 34556)


chieu-_nhn-content

 Chiều - ảnh Nguyễn Hoàng Nam


Tôi nhận công việc làm thợ sơn trong một hãng sửa chữa tàu sông nằm sát bên hồ Michigan. Thực ra tôi chẳng có chút kinh nghiệm nào trong việc này. Sếp tôi, ông Anthony, cứ nhất định là tôi sẽ làm được.

“Dễ thôi mà!” Ông nhìn tôi sau một hồi rồi bảo thế.

Tôi tự hỏi, lẽ nào ông thấy ra bàn tay cầm cọ của tôi, dù chỉ là thứ cầm cọ để sơn mấy chiếc tàu sắt? Thật tình tôi cũng không biết phải trả lời ra sao với ông nữa. Bao nhiêu ý tưởng chuẩn bị cho lúc phỏng vấn bỗng dưng biến mất. Trong thâm tâm, tôi chỉ mong ông nhận tôi vào làm. Nhưng không ngờ mọi thứ lại đơn giản và dễ dàng đến vậy. Nếu chấp nhận công việc này, tôi buộc phải rời căn phòng đang thuê để tìm một chỗ trọ mới. Điều này tôi không thích chút nào. Ở đấy có mấy gia đình người Việt, chẳng phải bà con gì, nhưng gần những người đồng hương dù sao cũng cảm thấy đỡ lẻ loi hơn. Biết đâu họ có thể giúp tôi lúc đau ốm cũng chưa biết chừng. Nhưng nơi ở hiện tại của tôi quá xa chỗ làm, phải tốn hơn một giờ rưỡi và chuyển đến ba lần xe buýt mới tới nơi. Dạo ấy tôi mới qua Mỹ khoảng một năm, vừa thi được bằng lái, nhưng không đủ tiền để mua xe, dù là một chiếc xe cũ. Tôi nghĩ nên thử xem công việc thế nào, trước khi tính đến chuyện thay đổi chỗ ở.

 Ngày đầu tiên đi làm, tôi được Anthony giảng giải về tính chất hóa học của các loại sơn, tỉ lệ pha chế giữa chúng với nhau để tạo ra màu mới, và việc cầm cọ ra sao để sơn được đều, không bị dày nhưng cũng không quá mỏng. Sau phần lý thuyết, Anthony dẫn tôi xuống tầng hầm, chỉ tay vào các khoang sắt rỗng nằm dọc đáy tàu.

“Công việc của anh là sơn những thứ này,” ông nói.

“Thứ này á?…” Tôi thốt lên ngơ ngác.

Tôi muốn kêu Chúa ơi, nhưng kịp nuốt tiếng nói trở lại vào miệng. Nhìn những mảng sắt xám ngắt đến nham nhở, vài chỗ đã bắt đầu hoen rỉ, tôi cảm thấy thất vọng. Trong tưởng tượng của tôi, công việc đáng ra phải khác, thế nhưng nó lại bụi bặm và nhơ nhớp như thế này.

“Nào, bắt đầu thôi anh bạn trẻ,” ông kêu lên.

Anthony cầm một chiếc cọ nhúng vào thùng sơn đã trộn sẵn, xong quẹt lên bề mặt một mảng sắt đã được ai đó làm sạch từ trước.

“Anh nhìn và thử xem. Đúng thế! Phải như thế…”

Tôi làm theo ông. Lúc đầu tôi thấy có chút lúng túng, nhưng sau khi thử qua vài phút tôi quen dần với công việc. Cánh tay cầm cọ của tôi trở nên nhịp nhàng và mềm mại hơn. Đến khi phải sơn phía bên trong các hộp khoang rỗng, Anthony bảo tôi nằm lên một tấm ván có các bánh xe bằng nhựa nhỏ xíu hệt như các con lăn của hệ thống ròng rọc, rồi dùng chân đẩy cả thân hình vào trong. Lúc ấy tôi mới hiểu ra. Sỡ dĩ Anthony muốn nhận tôi vào làm công việc này vì vóc dáng nhỏ thó của tôi. Chỉ những người nhỏ con mới có thể thao tác được dễ dàng trong một khoảng không gian chật hẹp như vậy. Sau một ngày làm việc, Anthony khen tôi không ngớt lời. Ông bảo tôi sơn đẹp và có mắt thẩm mỹ! Tôi nhìn ông, ngao ngán.

“Thế nào, anh thích công việc này chứ?” Ông hỏi tôi lúc sắp tới giờ nghỉ.

Tôi miễn cưỡng gật đầu. Đành vậy. Thật lòng, tôi không lấy gì làm hứng thú với trò sơn phết này. Nhưng nếu không làm, tôi lấy đâu ra tiền để trang trải cho cuộc sống của mình. Hơn nữa, ở đời đâu phải ai cũng có thể tìm được một công việc mà mình ưa thích? Tôi nghĩ cứ tạm thời làm cái công việc chết dẫm này, sau đó hẵng tìm một nghề khác thích hợp hơn. Nhưng tìm việc gì thì tôi chưa biết được. Tôi thì có khả năng gì. Mẹ tôi thường bảo, “Mày giống thằng cha mày. Chỉ giỏi được cái đi lang thang thôi!” Giá mà lang thang cũng là một thứ nghề?

 Tôi tìm đến địa chỉ cho thuê phòng đăng trên báo ở đường Spaulding, trong một thị trấn nhỏ nằm sát ranh giới gữa hai tiểu bang Illinois và Indiana. Đó là ngôi nhà một tầng, mái nhọn, vách ghép bằng gỗ, đứng xiêu quẹo trên nền đất xung quanh mọc đầy cỏ dại. Căn nhà có vẻ như muốn sập tới nơi. Hình như đã lâu lắm nó không được bàn tay nào chăm sóc. Cứ nhìn vẻ hoang phế và cũ kỹ của căn nhà, tôi có cảm tưởng nó được dựng lên từ thời lập quốc. Trông nó thật thảm thương. Thảo nào mà giá phòng lại rẻ vậy. Nhưng lẽ nào mình sẽ sống ở đây chứ? Tôi chậc lưỡi, cứ vào xem bên trong thế nào. Tôi đưa tay bấm nút chuông cửa trong một tâm trạng khá chán chường.

“Anh là ai?” Một giọng nói vang lên sau khe cửa hở.

“Bà Marian, tôi đến để xem phòng.” Tôi đáp.

Một thân hình to lớn hiện ra nơi khung cửa. Đó là một bà già không dễ gì đoán được tuổi, tóc bới gọn phía sau ót, khuôn mặt bà trắng hồng, trong khi da tay lại nhăn nheo. Đặc biệt là đôi mắt sáng trong, và cách bà nhìn tôi hiền lành đến không ngờ.

“Có phải anh là người gọi điện thoại muốn thuê phòng trước đây một ngày?” Bà hỏi, trong khi mắt vẫn không ngừng nhìn tôi dò xét.

“Vâng. Chính tôi.” Tôi cố nặn ra một nụ cười.

“Mời vào!” Nói xong, bà đứng tránh sang một bên để nhường lối đi cho tôi.

Tôi bước vào và đứng lóng ngóng nơi phòng khách. Trên chiếc ghế sofa rách mướp kê ở góc phòng, một con mèo to lớn đang nằm ủ ê, vẻ ngái ngủ. Nó đưa mắt mệt mỏi nhìn người khách trước mặt, chẳng có chút phản ứng nào. Bà Marian bước về phía chiếc bàn nhỏ đặt giữa phòng, đưa tay với lấy chai nước uống một ngụm. Hơi thở bà hỗn hển, khó nhọc.

“Nhà có hai phòng trống, để không từ lúc chồng tôi bỏ đi. Tôi nghĩ tôi có thể kiếm thêm chút ít tiền bằng cách tìm người tử tế để cho thuê…” Bà có lối nói chuyện khá cởi mở. “Tôi hỏi không phải. Anh không làm việc gì phạm pháp chứ?”

“Trước đây thì chưa.” Tôi đáp.

“Ý anh là sao. Thế còn sau này?” Mắt bà mở to nhìn tôi, giọng nói có chút giận dữ.

Tôi nói là bà đã hiểu nhầm. Tôi không phải muốn nói như thế. Thấy tôi lóng nga lóng ngóng, tay cứ không ngừng gãi lên chỏm đầu của mình, ánh mắt bà bỗng dịu lại.

“Xin lỗi, vì phải hỏi anh như vậy. Anh biết đấy. Tôi thì sống một mình nên không muốn rước thêm bất cứ phiền phức nào từ những người ở thuê…”

Tôi nghĩ bà không muốn cho tôi thuê phòng. Có lẽ bà cảm thấy không đáng tin ở những người không phải cùng màu da với mình. Trong một thoáng, tôi muốn bỏ đi để tìm một chỗ trọ khác. Chẳng ai có thể sống được với những bà chủ nhà gàn dở. Chưa chi tôi cảm thấy chán cái nhà rách này thấy mồ. Không hiểu sao tôi cứ đứng nán lại, khó nhọc nói cho bà nghe bằng vốn tiếng Anh ít ỏi của mình. Tôi kể tuồn tuột từ chuyện vượt biên bỏ nước ra đi, đến Mỹ lúc nào, và cả việc tôi vừa được nhận vào làm ở hãng sửa tàu ra sao. Tôi nói bằng tất cả nỗi bực bội của một con người đang bị tổn thương. Bà nhìn tôi ngạc nhiên. Từ trong đôi mắt bà bỗng ánh lên những tia sáng, ấm áp đến lạ lùng. Cái nhìn của bà khiến tôi nhớ đến mẹ mình. Trong một thoáng, tôi bỗng thấy mình muốn khóc.

“Thôi được. Bây giờ tôi đưa anh đi xem phòng. Nhà này vách ngoài tuy hư nát một chút nhưng cây gỗ bên trong còn chắc chắn lắm. Nó không dễ gì sập đâu. Anh đừng lo.”

Bà dẫn tôi qua một hành lang hẹp. Nhà có tất cả ba phòng ngủ, một phòng khách, một gian bếp và một nhà vệ sinh.

“Đây là phòng ngủ của tôi. Trong hai phòng còn lại, anh có thể tùy ý chọn một. Giường nệm đã có sẵn. Nhưng nếu anh muốn mua cái mới thì đó không phải là việc của tôi. Chúng ta dùng bếp và nhà vệ sinh chung. Tôi sẽ dành cho anh một phần trong chiếc tủ lạnh. Giá cả thuê phòng như đã đăng trên báo. Nếu thấy thích, anh có thể dọn vào bất cứ lúc nào.”

Tôi quyết định thuê căn phòng, có thể vì giá cả hợp với túi tiền của tôi. Nhưng cũng có thể tôi đã nhận ra trong ánh mắt bà phảng phất chút tình thương yêu của mẹ tôi chăng?

“Chắc tôi sẽ sơn lại phòng đấy!” Tôi nói với bà.

“Cứ làm, nếu anh thích thế.” Bà đáp.

“Thế khi ông nhà trở về, tôi có phải dọn ra không?” Tôi hỏi bà khi thu xếp lại một chút căn phòng của mình.

“Ông ấy bỏ tôi để chạy theo một ả chỉ đáng tuổi con mình. Tôi đã chờ đợi suốt cả năm nay. Vậy mà ông ấy vẫn chưa một lần trở lại dù chỉ để ghé thăm. Ngay cả điện thoại ông ấy cũng không thèm gọi. Đàn ông ấy mà! Mong gì. Họ quyến rũ thật đấy, nhưng cũng bạc tình bạc nghĩa lắm.”

 Hôm sau tôi ghé vào văn phòng sếp Anthony xin nghỉ làm một hôm để dọn nhà, tiện thể báo tin cho ông về chỗ ở mới. Ông nhìn mảnh giấy ghi địa chỉ và số điện thoại của tôi, vẻ kinh ngạc.

“Ở đây à?” Ông hỏi tôi, giọng như khàn hẳn.

“Sao ạ?” Tôi nói.

Ông bảo không có gì. Ông nói ông biết chỗ ấy. Từ đó đến hãng tốn khoảng mười lăm phút xe buýt thôi. Rồi ông bắt tay và chúc mừng tôi đã tìm được chỗ ở tốt. Tôi hỏi ông biết bà Marian chủ nhà của tôi không. Ông lắc đầu bảo không.

 Tôi ăn tối chung với bà Marian mỗi ngày. Bà làm nhiều thức ăn. Vì không quen đồ Mỹ nên tôi ăn khá ít. Bà bảo tôi thích ăn món gì bà sẽ làm. Tôi nói thích ăn đồ Việt. Bà cười, bảo không biết nấu. Hôm nào cũng vậy, thức ăn thì nhiều nhưng bà không bỏ sót một chút nào.

“Chẳng hiểu sao, từ ngày ông nhà bỏ đi, tôi bỗng ăn nhiều đến thế.” Bà nói như thanh minh với bản thân mình.

Chúng tôi sống với nhau rất vui vẻ. Mỗi sáng bà đều gọi tôi thức dậy đi làm, còn giặt dùm quần áo và dọn cả giường ngủ. Bà chăm sóc tôi như con. Tôi cũng thương bà như người mẹ thứ hai của mình. Lúc rảnh rỗi, tôi giúp bà dọn dẹp, cắt tỉa đám cỏ xung quanh vườn, sơn lại tường nhà. Tôi xem ngôi nhà giống như là của mình vậy.

Một tối, bà Marian đang ngồi trên ghế xem tivi thì người bỗng nghiêng về một phía, rồi cả thân hình nặng nề của bà đổ ập xuống mặt sàn gỗ ở phòng khách. Tôi vội gọi xe cấp cứu đưa bà vào bệnh viện. Bác sĩ nói bà bị tai biến. Tim bà không được khỏe. Cũng may bà được cấp cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy hiểm. Nhưng bà phải ở lại bệnh viện ít hôm để theo dõi. Tôi gọi Anthony, xin nghỉ ít ngày để chăm sóc bà. Ông hỏi tôi là bà bị bệnh gì, đang ở bệnh viện nào. Giọng ông có vẻ bối rối và quan tâm hơn mức cần thiết. Tôi đành phải kể cho ông nghe. Hình như ông im lặng đi một lúc, rồi bảo tôi an tâm. Ông còn nói là sẽ cố gắng để tôi được trả lương, xem như tôi đang nghỉ phép.

 Chiều ấy, ông Anthony xuất hiện ở bệnh viện. Tôi nhận ra ông khi ông bước đi trong hành lang, tay ôm một bó hồng đỏ. Tôi nghĩ ông đi thăm một người quen nào đó đang ốm ở đây. Ông hỏi tôi bà Marian thế nào. Tôi bảo, bà ấy đã đỡ nhiều. Nhưng ông làm tôi cảm thấy khá bất ngờ khi đề nghị để ông vào thăm bà. Quả thật, tôi không bao giờ nghĩ ông đến đây chỉ để thăm bà chủ nhà của tôi. Ông đâu có quen biết gì bà Marian?

Bà Marian như run lên khi thấy sếp tôi bước vào phòng. Thật lạ lùng là sau giây phút ngập ngừng, cả hai bỗng ôm hôn nhau thắm thiết. Bà Marian nhìn tôi, nước mắt chảy dài trên mặt, nhưng miệng thì lại cười rạng rỡ.

“Ông ấy đấy! Người đàn ông bạc tình bạc nghĩa tôi đã kể với anh đấy!”

Nhìn họ quấn quýt bên nhau, đột nhiên tôi bỗng thấy buồn. Tôi thuê phòng nhà bà Marian mới được hơn hơn ba tháng nay, vừa yên ổn xong, lẽ nào đã đến lúc phải dọn đi. Tôi đưa mắt nhìn Anthony, trong một thoáng, tôi có cảm giác là mình đã chán ngấy ông rồi.

 

NGUYỄN VĂN

Chicago, 2014.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tư 20248:23 CH(Xem: 1048)
Lê Chiêu Thống là vị hoàng đế thứ 16 và là cuối cùng của nhà Hậu Lê. Triều đại nhà Hậu Lê của ông đã chứng kiến nhiều cảnh rối ren của lịch sử nước nhà. Đó là giai đoạn Trịnh Nguyễn Phân Tranh, cả hai đều mang danh nghĩa "phù Lê diệt Mạc". Chúa Trịnh đã diệt được nhà Mạc cho nhà Hậu Lê. Nhưng quyền hành lại nằm trong tay nhà Trịnh. Và sau đó là sự tranh giành và kết thúc của các đời chúa Trịnh. Và sự phát triển lớn mạnh của nhà Tây Sơn đã đánh đổ Chúa Trịnh với danh nghĩa "phù Lê diệt Trịnh". Lòng dân Bắc Hà hoang mang cực độ. Nguyễn Huệ tuy thắng trận, nhưng chưa nắm được lòng dân nên không xưng đế. Nguyễn Huệ vẫn tiếp tục để nhà Lê làm vua. Nhưng cả ông lẫn nhà Lê điều hiểu rõ quyền hành đang nằm trong tay ai? Nguyễn Huệ tham khảo ý kiến vợ là Công chúa Lê Ngọc Hân việc đưa nhân vật nào lên ngôi. Cuối cùng Nguyễn Huệ đồng ý đưa Duy Khiêm lên ngôi vua. Vua mới đổi tên thành Duy Kỳ, đặt niên hiệu là Chiêu Thống. Ông làm vua chưa tới 3 năm, từ tháng 7 (âm lịch) 1786 tới tháng 1-1789.
14 Tháng Tư 202411:02 SA(Xem: 1251)
- “Chiều nay chị nhớ về thăm mẹ, chị vắng năm mười ngày lại nhắc. Hổm rày, cứ mỗi chiều là mẹ ra đứng ngõ sau, dáng như chờ đợi ai!”. Chị em cô Hai tình cờ gặp nhau trên bến sông, lúc cô đang bưng rổ cá từ thuyền lên bờ. Thoáng nghe em trai nhắc nhở về mẹ, tay cô trĩu nặng và lòng nhói lên nỗi niềm sâu kín, lặng nhìn một hồi lâu về bên kia sông, nơi có tuổi thơ cô và với bao người sướng vui buồn khổ đến rồi lại đi như dòng nước lớn ròng của dòng sông quê mẹ. Càng có tuổi người ta có nhiều hồi ức về thời xa xưa, có khi sống với nó hàng giờ như kẻ mộng du.
10 Tháng Tư 20248:36 SA(Xem: 1641)
Buổi tối, Ngạc trở về sau bữa tiệc sinh nhật của người bạn. Ngạc nghĩ tới cô gái Mỹ tóc bạch kim, được tụi Ngạc hùn tiền mướn về để "surprise" Eric. Ngạc nhớ đôi mắt Eric bừng lên ngạc nhiên, cùng dáng điệu lính quýnh khi người con gái gì đầu hắn xuống vùng ngực lồ lộ như hỏa diệm sơn. Cặp chân dài của cô xoắn vào người Eric, bốc lửa. Dư âm của tiếng cười nói, của những nhịp pháo tay rập rình theo theo điệu vũ uốn éo của cô gái khỏa thân vẫn còn theo Ngạc trên đường về.
13 Tháng Hai 202411:02 CH(Xem: 3154)
Đã gần đến Tết. Trời vẫn rét căm căm nhưng có lẽ mùa đông năm nay Seattle không có tuyết. Nhiều năm giờ này băng giá đã phủ kín các cành cây khẳng khiu trụi lá. Toàn cảnh như một cánh rừng bằng pha lê lóng lánh, trông đẹp như trong cảnh thần tiên, nhưng bước ra ngoài trên mặt đất giá băng lại rất nguy hiểm. Trượt té gẫy xương là chuyện thường.
13 Tháng Hai 202410:35 CH(Xem: 2530)
Chuyện Huân có nhiều người yêu thì cả thị xã, quần chúng nhân dân các giới đều biết chứ chẳng cứ gì đám con gái trẻ. Bọn này thực ra cũng đang mắt liên mày láo tia lấy một anh chàng nào đó làm chồng cho xứng đáng cái tấm thân ngà ngọc bố mẹ ban cho. “Lấy chồng cho xứng tấm chồng/ bõ công trang điểm má hồng răng đen”, lời các cụ dạy cấm có sai. Xưa không sai đã đành, nay cũng vẫn đúng nguyên. Nên nói một cách sòng phẳng, hình như Huân bị đám con gái ấy nó chủ động đưa vào lưới tình...
08 Tháng Hai 20242:46 SA(Xem: 2129)
Đôi tình nhân đã có một thời 20 hoặc 30 năm… / Họ, dường như khó hoặc là (!)nhận ra nhau. / “Xin lỗi cô, tôi không cố ý!” / Sự gặp nhau trên bãi tắm . Họ đang bơi và vô tình va chạm nhau.
17 Tháng Giêng 20243:42 CH(Xem: 4265)
“Thế là Tết 1999, lần đầu tiên tôi được bước vào ngôi nhà mà tôi không biết rằng sau này tôi sẽ thường xuyên tới. Mang tới một bó hoa lớn, cầm tờ ghi địa chỉ trong tay, tôi mò mẫm tìm. Khác hẳn suy nghĩ của tôi, ngôi nhà khá rộng rãi, khang trang, lại mang hơi hướng Tây hóa. Thấy tôi, mọi người ai cũng vui vẻ tiếp đón. Trùng hợp là Tết năm đó có cả em dâu cùng cháu trai bên Đức cũng về Việt Nam thăm họ hàng. Chúng tôi nói chuyện, hỏi han về cuộc sống, những vấn đề vấp phải trong xã hội, và kết thúc bằng tiết mục karaoke tại nhà để chào đón một năm mới đầy niềm vui, thành đạt hơn. Ngày hôm đó qua đi nhanh đến nỗi mà tôi gần như không còn nhớ gì đến nó.” (Phạm Ngọc Lương)
22 Tháng Mười Hai 202311:56 SA(Xem: 4298)
Tôi sống như một kẻ không nhà, lang thang suốt dãi đất miền Trung, một bóng trắng mỏi mòn những ngọn đồi trọc, nhọc nhằn vàng những đụn cát hoang sơ, lặng lẽ giữa phố xá ồn ào. Thuở đó, Giáng Sinh vẫn rất lặng lẽ… Đêm Giáng Sinh năm ấy, tôi từ Sài Gòn trở về, xe khách hỏng máy ở rừng cao su thuộc địa phận Đồng Nai( một chuyện rất thường xảy ra). Hành khách bước xuống, những khuôn mặt mệt mỏi, những bộ quần áo nhàu nát. Đa số là những người tha hương kiếm sống, có một số sạch sẽ hơn là những con buôn, và con buôn lúc ấy đều là buôn lậu, cuộc mưu sinh đã làm cho họ trở thành những kẻ gian manh và lì lợm. Hành khách ngửa nghiêng vệ cỏ ven đường lấy những nắm cơm, bắp ngô, khoai lang, trứng luộc ra ăn một cách ngon lành, có một số rải rác vào các quán tranh.
19 Tháng Mười Hai 202311:30 CH(Xem: 3503)
Tuổi 17 của tôi qua lâu rồi. Thuở tôi 17, mọi thứ thật đáng yêu, chuyện tình thôi âm thầm không hứa hẹn trong cái nghéo tay tráo trở ở tuổi 13, vác trên vai chiếc cung lửa, tôi săn mọi cô gái mình ưng ý, đường tên ngọt sớt, giương cung là trúng tử huyệt, có lúc tôi nhắm trượt, phải đặt bẫy, náu mình, bắn hụt, mất cả giỏ tên, bỏ cuộc rồi tiếp tục, cứ thế, tôi mải mê trong cánh rừng say, trái tim tử thương đã bao lần vẫn run rẩy vì tình.
24 Tháng Mười 202311:00 CH(Xem: 5385)
Cạn mấy ly rượu mạnh với anh chủ khách sạn Huy Hoàng để xóa đi cái âm khí nặng nề ở nghĩa trang Hàng Dương, tôi loạng choạng trở về phòng, đóng sầm cửa lại, nằm vật ra giường, chìm ngay vào giấc ngủ. Tiếng gõ cửa làm tôi giật mình thức giấc. Cửa mở, cô gái có khuôn mặt trắng hồng, dáng thon thả, tha thướt trong bộ đầm dài bằng lụa màu mỡ gà; từ đôi mắt, hàng chân mày cho đến làn môi đều xinh tươi... / -Cô tìm tôi? /-Dạ, biển đẹp như vầy, anh ngủ làm gì cho phí, đi dạo với tôi nhé. / Chúng tôi tiến ra bờ biển. Gió lồng lộng, mát rượi, sóng biển vỗ bờ cát trắng rì rầm. Ngoài xa ánh đèn các con thuyền đánh cá thao thức, nhấp nháy khôn nguôi.